Viết mô tả công việc ra sao để thu hút ứng viên chất lượng?

Lựa chọn đúng người là quyết định khó khăn của nhiều nhà tuyển dụng. Sai một li có thể khiến ngân sách tuyển dụng của bạn trong năm hao hụt “vạn dặm”. Một nghiên cứu cho thấy chọn sai người có thể gây thiệt hại gấp 15 lần so với việc chi trả lương hằng tháng cho nhân viên. Không chỉ tiền mất, chất lượng làm việc giảm mà còn tốn rất nhiều thời gian. Bạn có biết vì sao chất lượng CV ứng tuyển không đạt yêu cầu không? Vấn đề nằm ở bảng mô tả công việc (Job Description hay JD) chưa thật sự chất lượng đấy.

Cùng điểm qua một số gợi ý giúp cải thiện bảng mô tả công việc và tuyển đúng người hơn nhé!

Đầu tư chăm chút cho bảng mô tả công việc

Các công ty tại Việt Nam khi tuyển dụng thường thiếu mất phần thông tin công ty. Họ kỳ vọng ứng viên có thể tự tìm hiểu về mình mà quên mất rằng sở hữu bảng mô tả công việc cụ thể sẽ giảm bớt gánh nặng sàng lọc CV cho nhân sự.

Cho ứng viên biết công ty bạn làm ở lĩnh vực gì, đang có định hướng phát triển như thế nào,…hoặc các nội dung tương tự. Điểm hay ở việc này chính là ứng viên sẽ dành thời gian xem xét liệu bản thân có phù hợp với văn hoá công ty không để đưa ra quyết định ứng tuyển.

Ví dụ: Một ứng viên tìm công việc ở vị trí Marketing Specialist, sở hữu kinh nghiệm làm sự kiện hoặc giải trí sẽ hiếm khi ứng tuyển cho một tập đoàn Công nghệ. Họ có xu hướng tìm các công ty giải trí, sản xuất nội dung để ứng tuyển hơn.

Đăng tuyển nhưng không miêu tả rõ ràng nhu cầu tuyển dụng cũng là một lỗi thường gặp. Không phải designer nào cũng biết UX Writing là gì, và không phải cứ làm marketing là giỏi viết. Vì thế bạn cần liệt kê ra những kỹ năng hoặc yếu tố mà công ty cần để tuyển dụng đúng người hơn.

Viết bảng mô tả công việc là một nghệ thuật

Nếu bạn để ý, bảng mô tả công việc kém chất lượng thường thiếu đi mất mục trọng trách, mục kỹ năng yêu cầu viết cũng rất sơ sài.

Ứng viên có quyền hiểu công việc họ sắp ứng tuyển sẽ yêu cầu những trọng trách gì? Liệu khả năng và kỹ năng của họ có đủ đáp ứng yêu cầu từ công ty hay không?

Nên lưu ý rằng trọng trách khác với kỳ vọng, vì vậy đừng khiến ứng viên bị choáng ngợp trước những trách nhiệm nặng nề ngay từ vòng “sàng lọc”. Hãy luôn ghi rõ những ý chính sau:

  • Khối lượng công việc thường nhật
  • Người quản lý/giám sát trực tiếp
  • Phương pháp đánh giá hiệu quả cho vị trí công việc này: KPI, ROI,..

Liệu một PhP Developer có thực sự cần sở hữu kỹ năng đàm phán hay không? Đối với mô tả kỹ năng, chỉ nên liệt kê những kỹ năng thật cần thiết cho vị trí đang tuyển dụng và có ảnh hưởng trực tiếp đến trách nhiệm của nhân viên

Xem thêm: Khám phá mẹo tuyển dụng tiết kiệm, hiệu quả hơn cho năm 2021

Ngoài ra, một bảng mô tả công việc hay sẽ không…

  • Thể hiện sự phân biệt đối xử với ứng viên về tuổi tác, giới tính hoặc số năm kinh nghiệm. Dù không cố ý nhưng cách bạn sử dụng từ cũng có thể làm người đọc cảm thấy bị phân biệt. Bạn nên hạn chế sử dụng các cụm từ như “Chỉ tuyển từ 1998” hay “Tuyển manager trên 10 năm kinh nghiệm”
  • Đòi hỏi quá nhiều: Như đã đề cập ở trên, nhà tuyển dụng nên biết chính xác người mình cần. Không nên đưa kỳ vọng cá nhân vào bảng mô tả công việc vì yêu cầu càng cao, mức lương cũng theo đó mà tăng. 
  • Quá khó để xem: Công khai bảng mô tả công việc giúp tiết kiệm thời gian của cả nhà tuyển dụng và ứng viên. Ứng viên cũng dễ dàng giới thiệu cho bạn bè hơn nếu họ thấy vị trí bạn đăng tuyển hấp dẫn đấy.

Tình trạng nhân viên thôi việc có thể khiến bạn tốn đến 400% lương của các vị trí cấp cao. Chọn sai người có thể khiến bạn tiêu ngân sách nhân sự. Vì vậy, để vừa tiết kiệm chi phí vừa tuyển dụng hiệu quả, hãy bắt đầu dành thời gian biên soạn bảng mô tả công việc thật tốt!

JobHopin Team