Lập kế hoạch đầu tư: Mộng tưởng và thực tế ngỡ ngàng

Trong thời gian qua, lập kế hoạch đầu tư chứng khoán, đầu tư crypto là những từ khóa nổi bật, nhận được rất nhiều sự quan tâm trên các kênh truyền thông, bao gồm cả truyền… miệng. Năm 2021, thị trường chứng khoán Việt đã tạo đỉnh mới về số lượng nhà đầu tư, con số xấp xỉ 1.5 triệu tài khoản cá nhân. Riêng về mảng crypto, số lượng người dùng vẫn đang tăng dần với tốc độ vượt bậc.

Đầu tư mở ra một cơ hội mới, đặc biệt là với những người trẻ muốn kiếm thêm thu nhập, thậm chí là làm giàu. Vậy đầu tư có khó không mà nhiều người lao vào như thế?

Không ai có thể đưa ra câu trả lời chính xác. Người thành công cho rằng đầu tư dễ ẹc, người chẳng may thất bại lại thấy khó tận trời xanh. Tuy nhiên, hầu hết đều có chung một quan điểm, đó là đầu tư thì không thể tránh khỏi sai lầm. 

Bản thân mình là một người trẻ ở độ tuổi 2x, đã tham gia đầu tư và thu hoạch được một số trải nghiệm quý giá, cũng như bài học nhớ đời. Hôm nay, mình mong muốn chia sẻ nhiều hơn từ góc nhìn cá nhân, có thể chưa đầy đủ nhưng hy vọng sẽ giúp những người trẻ như mình có hướng tiếp cận thực tế hơn về việc đầu tư.

> Xem thêm:

Lập kế hoạch đầu tư từ phương pháp phân bổ vốn

Các chuyên gia có rất nhiều công thức cho việc phân bổ vốn, bao nhiêu phần trăm để đầu tư, bao nhiêu phần trăm tích lũy an toàn (gửi tiết kiệm), bao nhiêu phần trăm phòng cho trường hợp bất khả kháng… Bạn có thể tìm hiểu chi tiết hơn qua sách báo, các trang chuyên môn.

Mặc dù phương pháp lập kế hoạch đầu tư bằng cách quản lý vốn thì không thiếu, nhưng newbie đa phần đều bỏ qua nền tảng cốt lõi này. Bên cạnh đó, chúng ta cũng thường có những nhầm tưởng về khái niệm tiền nhàn rỗi (khoản tiền mà bạn chắc chắn sẽ không cần dùng đến trong một thời gian nhất định), và tiện tay tận dụng tất cả tiền của mình để đầu tư với hy vọng sinh lời càng nhiều càng tốt. 

Tiền nhàn rỗi lúc này đột nhiên trở thành tiền bận rộn, chúng bận rộn giúp bạn sinh lời, bận rộn giúp bạn gia tăng tài sản. Sau đó, không có sau đó nữa, bởi con đường đầu tư có mấy khi thuận lợi như thế đâu. Nếu may mắn sinh lời thì đã tốt, chuyện xui rủi không ai muốn như phải “gồng lỗ”, để rồi “cắt lỗ” vì bất ngờ cần dùng đến khoản tiền này là chuyện khó nói trước.

Từ khoản lỗ tạm thời trở thành lỗ vĩnh viễn. Bạn không chỉ đau ví, mà còn đau lòng.

Hiệu ứng sợ bỏ lỡ cơ hội

Thời gian đầu khi tiếp xúc với lĩnh vực đầu tư, nhìn thấy anh A kiếm được một khoản kha khá chỉ sau dăm ba tuần, mình ngưỡng mộ! Nhìn thấy chị B nhân đôi tài sản sau một tháng, mình muốn được như vậy! 

Phải bắt đầu từ đâu? Lập kế hoạch đầu tư như thế nào? Mình chưa rõ lắm. Nhưng không sao, cơ hội khắp nơi và mình mạnh dạn bỏ tiền ra với tâm lý chờ sung rụng. Cuối cùng, “đu đỉnh” là điều không thể tránh khỏi. Sau khi gồng mình đi qua cơn giông bão, mình lại (nhiều lần) rơi vào trạng thái sợ đánh mất thời cơ, sợ tụt lại phía sau. Mình nhận ra, tâm lý FOMO (Fear of missing out – Sợ bỏ lỡ) gần như là nguồn gốc khiến tiền của mình rơi rụng dần một cách mất kiểm soát.

Lướt Internet hóng chuyện thiên hạ

Thời còn trải sách ở giảng đường đại học, mình có nghe thầy kể về những cung đường cà phê chứng khoán, ở đó người ta thảo luận tất tần tất về lĩnh vực này. Thời nay có Room chứng khoán, Telegram crypto, chỉ cần ngồi một chỗ đã có thể tiếp thu kiến thức sôi động như thế, thậm chí có người đưa đường dẫn lối, mớm đến tận miệng, mình cần gì phải đi học hành, lập kế hoạch đầu tư hay tìm hiểu thêm ở xa xôi? 

Không lâu sau, mình nhận ra bản thân đã sai. Việc tiếp thu thụ động khiến mình khó phân biệt được đâu mới là đúng, không ít những kiến thức mà bản thân rất tâm đắc lại chính thứ được dẫn dắt bởi mục đích cá nhân của người khác.

“Một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật thì không còn là sự thật…”

Áp dụng kiến thức đậm tính sách vở vào thực tế

Ôm tâm lý không thể chờ đợi cơ hội trên trời rơi xuống, mình bắt đầu cắm cúi học hành. Bất kể một trường hợp nào xảy ra cũng được mình nhiệt tình đối chiếu sách vở, rồi lại đem sách vở áp dụng vào thực tế. Và bạn cũng có thể đoán được, kết quả của lần này cũng không thật sự khả quan lắm. 

Sau nhiều đêm cân đo đong đếm, mình quyết định phóng lao thì phải theo lao, “hold to die” chính là chân lý. Lạ thay, khoản lỗ càng ngày càng tăng dần. Đến khi nhìn lại, mình đã thiếu một bước quan trọng chính là vạch ra mức độ rủi ro bản thân có thể chấp nhận. Đến lúc này, dù hold to die hay rửa tay gác kiếm cũng đều sai sai.

Nghiên cứu từ các nhà chuyên môn cho thấy, dù là phân tích kỹ thuật hay phân tích cơ bản đều có phần đúng, nhưng còn tùy tình hình thị trường. Cho nên việc phân tích chỉ có thể xem như một cơ sở để tham khảo, chúng ta sẽ không thể trở thành bậc thầy thổi nến, phù thủy vẽ chart được rồi.

>> Xem thêm: Đầu tư ở tuổi 20 như thế nào là có lợi nhất cho bản thân?

Lập kế hoạch đầu tư cần sự phối hợp nhịp nhàng từ nhiều yếu tố khác nhau. Hãy cứ chăm chỉ, nhiệt tình và tỉnh táo với công việc mình đang làm, thời của ai rồi cũng sẽ đến.

JobHopin Team