Fun-tích: Thực ra, tại sao chúng ta lại trì hoãn?

Đại đa số chúng ta ai cũng từng ít nhất một lần trì hoãn để rồi rơi vào trạng thái “nước đến chân mới nhảy”. Có người hiếm khi gặp phải, nhưng có người làm bạn với trì hoãn thường xuyên, lâu ngày đến nỗi miệt mài chạy hết từ việc này sang việc khác mà việc gì cũng muộn màng, dang dở.

Hố đen mang tên trì hoãn có sức mạnh khiến một chiếc deadline vốn dài 3 tháng bỗng “được” chạy nước rút chỉ trong 3 ngày, hay một công việc lẽ ra mất 1 tiếng để hoàn thành thì nay kéo dài suốt cả tuần. Suốt 40 năm qua, các nhà khoa học trên khắp thế giới đã tốn vô vàn giấy mực để nghiên cứu, phân tích về những lý do và cách khắc phục sự trì hoãn với các nhóm đối tượng khác nhau thuộc mọi lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp.

Vậy, đâu mới là nguyên nhân thực sự đằng sau thói quen này – sự lười biếng, nỗi sợ thất bại, hay yếu kém về năng lực?

Bài viết liên quan:

Trì hoãn vs. Lười biếng

Một ngày đẹp trời nọ, sếp giao cho bạn chuẩn bị thuyết trình với một đối tác lớn. Bạn cẩn thận ghi chép những lời dặn dò của sếp, đánh dấu những nội dung cần ưu tiên, quần áo chỉnh tề về bàn làm việc ngồi ngay ngắn. Thế nhưng, thay vì bắt tay vào làm thuyết trình, bạn mở một cửa sổ khác trên trình duyệt và quyết định chuyển sang nghiên cứu về… 22 cửa hàng nến thơm trên khắp thành phố.

Bạn dành thời gian thống kê những nơi này một cách vô cùng kỹ càng, chi tiết – từ địa chỉ, mức giá, danh sách mùi hương nến, thậm chí tổng hợp review từ các nguồn khác nhau và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Khi bạn hoàn thành bảng tính Excel vô cùng ưng ý này và ngẩng đầu lên thì ôi thôi, đồng hồ đã điểm 9 giờ tối. Bạn gập máy tính lại đi về, còn bài thuyết trình thì thậm chí chưa hoàn thiện tiêu đề.

Rõ ràng, việc thống kê cũng tốn thời gian, công sức không kém việc làm thuyết trình. Cuối cùng, bạn vẫn sẽ phải gấp rút hoàn thành việc sếp giao bởi trách nhiệm ấy vẫn còn nguyên, không vơi bớt chút nào. Vậy tại sao lại “mua thêm việc” như vậy, nhất là khi vấn đề nến thơm hoàn toàn không cấp thiết?

Càng căng thẳng, càng trì hoãn?

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa thói quen trì hoãn và nỗi sợ thất bại. Chúng ta càng cảm thấy lo lắng hay thiếu tự tin về một mục tiêu thì ta càng có xu hướng lảng tránh việc bắt tay vào thực hiện nó, dù trong thâm tâm ta biết việc đó vô cùng cần thiết. Đây là một vòng tròn luẩn quẩn, bởi trì hoãn sẽ khiến ta không thể làm tốt công việc của mình và dẫn đến khả năng thất bại cao hơn. Tới lần sau, ta lại càng lo lắng và rất có thể sự trì hoãn sẽ lặp lại.

Điều này không nhất thiết đồng nghĩa với sự thiếu sót về năng lực. Trong một hoàn cảnh khác không bị chi phối bởi áp lực thành công, người trì hoãn có thể hoàn thành việc của họ một cách dễ dàng hơn. Cũng giống như một học sinh học thuộc bài và đọc vanh vách ở nhà nhưng tới giờ kiểm tra thì kiến thức lại “bay” đi đâu hết, trì hoãn là một hiện tượng bị kích hoạt bởi sự căng thẳng.

Trì hoãn bị kích hoạt bởi căng thẳng

Nhiều người sẽ đặt câu hỏi: “Tại sao biết rõ những tác hại của việc trì hoãn mà lại khó cưỡng lại đến thế?” Phải chăng là do chưa đủ tâm huyết với công việc đó? Thực tế là trong không ít trường hợp, người trì hoãn trăn trở rất nhiều về mục tiêu, yêu cầu đặt ra cho chính mình. Hãy tưởng tượng giữa mục tiêu giảm 2kg và mục tiêu giảm 12kg, việc nào khiến bạn sẵn sàng bắt đầu hơn?

Chính việc đặt mục tiêu quá tham vọng cho bản thân đã vô tình gây thêm áp lực và khiến ta rơi vào vòng xoáy trì hoãn. Cần lưu ý rằng khác với sự vô tâm, thiếu trách nhiệm hay lơ là công việc, trì hoãn ở đây là khi ta biết đó là việc thiết yếu mà nếu không hoàn thành thì sẽ có những hậu quả nghiêm trọng xảy ra. Thế nhưng, dường như bộ não của ta nhất định không chịu làm việc như ta mong muốn.

>> Xem thêm: Chăm sóc tinh thần trong mùa work-from-home

Từng bước vượt qua trì hoãn

Rút cuộc, trì hoãn là một hiện tượng phức tạp không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Xét từ khía cạnh tâm lý, trì hoãn là biểu hiện của những cảm xúc tiêu cực chưa thể giải tỏa: nỗi lo âu, bất an, sự hoài nghi về bản thân, hay thậm chí là sự thất vọng về những việc đã xảy ra trong quá khứ. Trì hoãn khiến ta có được sự nhẹ nhõm nhất thời vì đá được quả bóng trách nhiệm sang cho tôi-của-ngày-mai, nhưng càng trì hoãn thì những cảm xúc tiêu cực ban đầu càng nhân lên gấp bội.

Thoát khỏi sự trì hoãn không dễ dàng, nhưng không phải không thể. Theo nhà kinh tế học hành vi Katy Milkman, hãy tìm cách trói buộc niềm vui thích và trách nhiệm. Ví dụ:

  • Bạn chỉ được phép order ly trà sữa full topping yêu thích khi bắt tay vào làm bài thuyết trình sếp giao. 
  • Tập thể dục xong mới được ngồi xem tập mới nhất của Hometown Cha-cha-cha.

Dần dần, khi nghĩ đến công việc bạn sẽ không còn quá mệt mỏi nữa bởi trách nhiệm giờ đây đi kèm với niềm vui. Bên cạnh đó, bạn có thể tìm cách giao kèo với bạn bè, người thân. Áp lực từ những người bạn yêu thương, tin tưởng sẽ giúp bạn có thêm động lực để vượt qua sự trì hoãn.

  • Nếu không bắt tay vào làm việc trong tối nay, bạn sẽ phải nhường điều khiển tivi cho nhóc em trong vòng 1 tuần. 
  • Nếu trễ deadline teamwork, mọi người sẽ post ảnh ngủ trưa chảy nước miếng của bạn lên bản tin nội bộ của công ty. 

Và cuối cùng, hãy học cách vị tha với chính mình. Đừng dằn vặt quá nhiều về một sai lầm đã xảy ra từ hai năm trước, và hãy dành thời gian nghỉ ngơi xứng đáng. Chỉ khi khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần, bạn mới có thể đương đầu với những thử thách mới một cách hiệu quả, nhanh chóng.

The JobHopin team