Nhận biết ứng viên nói dối nhưng lại có năng lực, đi hay ở?

Có câu nói rằng: Tuyển sai người mang lại nhiều hệ quả khó khắc phục hơn tuyển chậm, hoặc không tuyển ai cả. Thuận lợi nhất là khi gặp đúng người, đúng thời điểm, nhưng không phải lúc nào cũng may mắn như thế. Để đáp lại mong đợi của nhà tuyển dụng, nhiều ứng viên dù kỹ năng rất tốt nhưng vẫn lựa chọn thổi phồng kinh nghiệm bản thân, đệm thêm màu sắc để trở nên ấn tượng hơn. Vậy những lúc như thế này, làm cách nào để nhận biết ứng viên nói dối?

Nếu xem việc nói dối là một nghệ thuật, vậy nhà tuyển dụng lúc này cần trở thành một nghệ sĩ tài tình, có khả năng nhìn thấu những biến hóa ngay trong phòng phỏng vấn.

Bài viết liên quan:

Cách nhận biết ứng viên nói dối

Ứng viên nhập vai người tìm việc mơ hồ

Đây là trường hợp thường gặp trong các buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng đặt câu hỏi và ứng viên trả lời bằng đáp án cách xa vạn dặm với chủ đề, có thể nói là không liên quan gì đến câu hỏi.

Theo nhận định từ người trong cuộc, những câu trả lời mơ hồ, lan man, không rõ ràng là dấu hiệu cơ bản để nhận biết ứng viên nói dối, hoặc đang cố đánh lạc hướng nhà tuyển dụng để che giấu khuyết điểm nào đó của mình. Một người rất giỏi kỹ năng A-B-C, không có nghĩa họ sẽ giỏi nốt cả kỹ năng D-E-F. Do đó, đôi khi việc nói dối chỉ là để đánh bóng hình ảnh bản thân.

Lúc này, đừng vội phán xét hay đặt câu hỏi dồn dập, hãy để ứng viên tiếp tục nói về chính mình. Và chỉ cần cần thêm 2-3 câu trả lời nữa, ắt hẳn bạn đã có được kết luận cuối cùng.

Nhìn thấu ngữ điệu và ngôn ngữ cơ thể

Nói dối là hoạt động điều tiết não bộ để diễn đạt nội dung khác với sự thật, đồng nghĩa, nói dối đi ngược lại những phản ứng tự nhiên của cơ thể. Chẳng có công thức thần kỳ nào để nhận biết ứng viên nói dối, tất cả những gì chúng ta cần làm là rèn luyện khả năng quan sát. 

Ngôn ngữ cơ thể và ngữ điệu chính là cơ sở để đưa ra cái nhìn tổng quan. Khi nói dối, ứng viên sẽ có sự thay đổi hành vi nhất định như tránh giao tiếp ánh mắt, đột ngột nâng tông giọng, lặp lại câu hỏi, ngập ngừng trước khi trả lời…

Đánh giá mức độ hoàn hảo 

Trong quá trình phỏng vấn, ứng viên có thể đưa ra những dẫn chứng về kết quả công việc của mình, nhưng nếu câu chuyện nào cũng hoàn hảo 100%, hãy mạnh dạn đặt một dấu chấm hỏi.

Trên thế giới có rất nhiều người tài giỏi và những thành tựu sự nghiệp họ đạt được cũng rất đáng ngưỡng mộ. Tuy nhiên, chẳng có thành công nào kéo dài mãi mãi. Đỉnh vinh quang bắt đầu bằng từ “đỉnh”, có nghĩa đó là chỉ điểm dừng chân tạm thời, sớm muộn gì chúng ta cũng cần đi về phía trước. Tiếp theo có thể là đỉnh cao hơn, hoặc là những kinh nghiệm quý giá từ một thất bại nào đó.

Vì thế nên, hãy hỏi về những khó khăn, những lần công việc không được như kỳ vọng và tạo cơ hội để ứng viên của bạn mở lòng, chia sẻ nhiều hơn.

Sự logic trong câu trả lời

Để bảo vệ cho một câu nói dối, chúng ta sẽ cần rất nhiều câu nói dối tiếp theo. Thực tế, rất khó để ứng viên có thể nói dối quá nhiều chi tiết vì họ cần liên kết dữ liệu sao cho thật chuẩn xác. Trong quá trình phỏng vấn, nhà tuyển dụng cần tập trung toàn lực vào mọi điều mà ứng viên chia sẻ, nếu câu trả lời sau “đánh” câu trả lời trước, đó cũng là dấu hiệu nhận biết ứng viên nói dối.

>> Xem thêm: Đàm phán lương với ứng viên – 4 cách giúp bạn ra giá hợp lý

Sàng lọc nhanh ứng viên thiếu trung thực

Thay vì nước tới chân mới nhảy, đến phòng phỏng vấn mới tìm cách nhận biết ứng viên nói dối, chúng ta hoàn toàn có thể sàng lọc nhanh ngay từ những bước đầu qua những gợi ý sau:

  • Phân tích CV trước khi phỏng vấn
  • Áp dụng bài test kỹ năng
  • Đặt câu hỏi tình huống
  • Xác thực thông tin ứng viên cung cấp

Ứng viên nói dối nhưng có năng lực, cho qua hay loại ngay?

Có nhiều biện pháp để giải quyết tình huống trên, từ chối ứng viên ngay lập tức hoặc cân nhắc đánh giá để đưa ra quyết định hợp lý. Việc này sẽ càng khó khăn hơn nếu đó là một ứng viên có năng lực nhưng lại chọn nói dối để che giấu khuyết điểm bản thân. Đứng ở vị trí nhà tuyển dụng, bạn hãy vạch ra một giới hạn cho vấn đề này và thực hiện thêm một buổi trao đổi với ứng viên (nếu cần thiết).

Nhận biết ứng viên nói dối không quá khó, ra quyết định mới khó, vì mục đích cuối cùng không phải tìm ra người nói dối mà là tìm thấy nhân tài phù hợp. Hãy xem xét nghiêm túc và luôn thẳng thắn chia sẻ cùng ứng viên, nhằm tránh những hiểu lầm không đáng có. Chúc bạn tuyển dụng thành công.

JobHopin Team