Áp lực đồng trang lứa – Cái tôi và địa vị xã hội

Thanh xuân ai cũng đã từng một lần chật vật với cái gọi là áp lực đồng trang lứa. Từ nỗ lực giảm cân không khoa học, cạnh tranh không lành mạnh trong thi cử, ganh đua thành tích trong công việc, đến gượng ép đi nhậu, tất cả đều là một hình thức của “cơn ác mộng” này.  

Bài viết liên quan: Comfort zone – Bạn đã sẵn sàng thoát khỏi vùng an toàn?

Ai cũng biết, ai cũng sợ, nhưng không ai thoát khỏi 

Đúng như tên gọi của nó, áp lực đồng trang lứa là khi bạn bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh có cùng độ tuổi, nghề nghiệp, trình độ hay là trải nghiệm. Để không cảm thấy lạc lõng, mỗi cá nhân thường có xu hướng liên tục cải thiện bản thân, thay đổi để thích nghi với tập thể, hội nhóm mà họ đang sống cùng. “Hòa nhập nhưng không hoà tan”, không chỉ đơn thuần là bắt kịp với nhịp phát triển của xã hội, ta còn muốn tạo nên bản sắc cá nhân để ghi dấu ấn với mọi người xung quanh.  

Sự phát triển của công nghệ đã xóa nhòa ranh giới địa lý giữa người với người, đồng nghĩa với việc: chúng ta có thể theo dõi và nắm bắt tình hình lẫn nhau một cách nhanh chóng thông qua mạng xã hội. Vô hình chung, chính sự phát triển này khiến ta so sánh cuộc sống của mình với người khác. Lướt Instagram và bạn thấy người quen check-in tại một resort 5 sao ở Bali thơ mộng. Mở LinkedIn và bạn thấy ngay một đồng nghiệp cũ mới được thăng chức lên vị trí Manager của một tập đoàn đa quốc gia. Trong vô thức, ta liền nghĩ: “Ồ, họ đang có một cuộc đời thành công, hạnh phúc. Mình còn kém xa họ lắm!” 

Là động lực hay áp lực? 

Nếu áp lực đồng trang lứa là “bất biến”, thế thì làm thế nào đối mặt với nó? Đồng xu nào cũng có hai mặt, và áp lực đồng trang lứa cũng vậy. Về mặt tích cực, nó chính là động lực để thúc đẩy mỗi người phát triển và hoàn thiện. Lấy thành tựu của người khác làm kim chỉ nam, ta sẽ biết được các quy chuẩn, phép tắc của xã hội; điều gì nên và không nên làm, điều gì sẽ tạo ra giá trị cho cộng đồng và cho chính mình. “Mây tầng nào gặp mây tầng nấy”, những người bạn đồng niên cũng như áp lực xoay quanh chính là một trong nhiều nhân tố quan trọng giúp định hình giá trị và vị trí xã hội của mỗi người. 

Mặt khác, khi đối mặt với áp lực đồng trang lứa một cách tiêu cực, con người ta có xu hướng tự hạ thấp giá trị bản thân và hà khắc với chính mình, kéo theo vô vàn hệ lụy khôn lường. Áp lực đồng trang lứa có thể khiến ta bị bủa vây bởi suy nghĩ tiêu cực, rối loạn lo âu, và luôn cho rằng mình kém cỏi. Điều này có thể sự độc hại trong cách nhìn nhận, đối xử với chính mình và các mối quan hệ xung quanh; gượng ép bản thân cố gắng quá đà, hoặc là luôn so sánh, cạnh tranh với mọi người. Thế nên, việc xác định được sức nặng và mức ảnh hưởng của áp lực đồng trang lứa rất quan trọng để ta có thể sống, học tập và phát triển một cách lành mạnh.    

>>> Đọc thêm: Tiêu cực và tích cực – động lực nào phù hợp cho bạn?

Cái tôi & Định vị cá nhân dưới áp lực đồng trang lứa

 Những năm hai mươi là giai đoạn mà con người cảm nhận được ảnh hưởng của áp lực đồng trang lứa một cách rõ rệt nhất. Đây được coi là giai đoạn “then chốt” của đời người, xác định được bản sắc cá nhân, ta là ai, làm nghề gì, cưới ai, vân vân và mây mây. Đứng trước vô vàn ngã rẽ lựa chọn, việc nhìn thấy người khác tìm được con đường riêng của mình không khác gì phép ẩn dụ cho việc họ biết mình cần đi đâu, đạt được những thành tựu nhất định, còn mình vẫn đang chơi vơi. Lúc này, việc định vị cá nhân trở thành một đường đua đầy cạnh tranh, và áp lực đồng trang lứa trở thành động cơ cũng như la bàn cho mọi quyết định trên đường đời. 

“Áp lực thì tạo nên kim cương”. Nhưng phải là than đá thì mới trở thành kim cương, và kim cương cũng chẳng phải là thứ quý giá duy nhất. Suy cho cùng, khi chạy đua thành tích với người khác, ta cũng chỉ đang tìm kiếm sự công nhận từ chính bản thân. Thế nên, điều kiện tiên quyết để có thể “sống chung” với áp lực đồng trang lứa một cách hiệu quả đó chính là học cách thấu hiểu bản thân và xác định rõ ràng mục tiêu, giá trị sống của mình. Từ nền tảng đó, bạn có thể: 

  • Trao đổi thêm với ba mẹ, anh chị, hoặc người đi trước để tìm hiểu, học hỏi lộ trình phát triển sự nghiệp và bản thân
  • Tìm cách cân bằng cái tôi và kỳ vọng xã hội 
  • Vạch ra con đường riêng và tự xác định tốc độ, giới hạn của chính mình 
  • Tôn trọng, ngưỡng mộ, không đố kỵ, so sánh với lộ trình của người khác 

>>> Đọc thêm: Lên kế hoạch cho bản thân: “Chìa khóa” định hướng sự nghiệp của bạn

Xuyên suốt chặng đường lớn lên và trưởng thành, ai rồi cũng phải trải qua áp lực đồng trang lứa. Để có thể chấp nhận và đối mặt với nó một cách tích cực, bạn sẽ phải cần rất nhiều thời gian cùng sự kiên nhẫn để hiểu bản thân và tìm được sự cân bằng cho chính mình. Đời còn dài, và bạn vẫn đang trên hành trình hoàn thiện bản thân mỗi ngày đấy thôi!   

The JobHopin Team