Xây dựng chính sách phúc lợi cho nhân viên hậu Covid-19

Ngày nay, ứng viên tìm việc đâu chỉ là vì lương mà còn vì chinh sách phúc lợi của công ty. Qua lâu rồi cái thời mà chính sách phúc lợi chỉ gói gọn trong những hạng mục bắt buộc như trợ cấp ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thai sản hưu trí hay tử tuất. Muốn thu hút nhân tài tiềm năng, doanh nghiệp hiện nay cần tập trung xây dựng chính sách phúc lợi cho nhân viên hấp dẫn và phù hợp với thời vận hơn.

Sau 2 năm đầy biến động, xu hướng xây dựng chính sách phúc lợi cho nhân viên trên toàn thế giới có sự xê dịch đáng kể. Những quyền lợi mang tính tập thể như team building dần bị thay thế bởi các hạng mục mang tính cá nhân hơn. Vậy thế nào là một chính sách phúc lợi hấp dẫn, đặc biệt trong bối cảnh nhân loại đang dần phục hồi hậu Covid-19?

Không có chính sách hoàn hảo, chỉ có đãi ngộ phù hợp

Hoàn hảo là một khái niệm khó định danh. Không có một chính sách phúc lợi hoàn hảo, chỉ có một chính sách phúc lợi phù hợp với nhu cầu của nhân viên. Họ chính là giám khảo đánh giá chính sách phúc lợi của doanh nghiệp có hợp lý hay không. Nói cách khác, doanh nghiệp muốn thành công trong mảng này cần lấy yếu tố con người của mình làm trọng tâm. Doanh nghiệp chịu chi chưa chắc đã có chính sách phúc lợi tốt. Ngược lại, doanh nghiệp nhỏ hoàn toàn có thể xây dựng chế độ đãi ngộ phù hợp với ngân sách. 

Theo một báo cáo từ HR Daily Advisor, có đến 55% người lao động cho biết họ thà chọn một công ty với mức lương tạm ổn nhưng chính sách phúc lợi tốt, hơn là ngược lại. Nếu không có quá nhiều khoản cần chi tiêu mỗi tháng, nhiều nhân viên cũng đồng ý gắn bó với công ty đáp ứng phần lớn nhu cầu về mặt sức khỏe, tinh thần. 

Xu hướng xây dựng chính sách phúc lợi cho nhân viên hậu Covid-19

Sự xuất hiện của dịch bệnh và các biến chủng mới đã thay đổi nhân loại và cách thức làm việc của lực lượng nhân sự trên toàn cầu. Cách đây 3 năm, khái niệm work-from-home vẫn còn tương đối xa lạ với tất cả chúng ta. Vậy mà ngay lúc này đây, khái niệm văn phòng mới là thứ dần trở nên thật xa lạ. 

Không còn những đãi ngộ mang tính tập thể như team building, nhiều nhân sự lúc này bắt đầu cân nhắc những công ty có chính sách phúc lợi xoay quanh những yếu tố an toàn, sức khỏe tinh thần, giờ làm việc linh hoạt và cơ hội phát triển bản thân.

Cụ thể, số liệu tổng hợp từ nhiều khảo sát cho thấy:

  • 71% nhân viên chọn nghỉ việc ở công ty cũ nếu doanh nghiệp mới có chính sách giờ làm linh hoạt.
  • 89% nhà tuyển dụng đồng tình rằng giờ làm việc có ảnh hưởng rất lớn đến việc thu hút và giữu chân nhân tài.
  • 36% nhân lực thế hệ Millennials cho biết sẽ đổi việc nếu công việc hiện tại không đem đến cho họ cơ hội học hỏi và phát triển bản thân.

Đãi ngộ CẦN có hậu đại dịch

Cho phép nhân viên làm việc từ xa: Trong thời buổi đại dịch vẫn còn hoành hành, doanh nghiệp nên có chính sách làm việc từ xa hoặc hybrid (vừa làm ở nhà, vừa lên công ty). Chính sách này giúp nhân viên dành thời gian bên gia đình nhiều hơn, cân bằng được bất an do đại dịch gây ra. Từ đó, tăng hiệu quả và năng suất làm việc.

Ngày nghỉ được trả lương: Lực lượng lao động trẻ hóa, mối quan tâm về sức khỏe tinh thần ở nhân viên thế hệ Millennials, Gen Z ngày càng rõ rệt. Khi có dấu hiệu burnout hoặc đơn giản chỉ muốn nghỉ phép để F5 bản thân, các bạn trẻ không ngần ngại “chốt đơn”. Công ty có chính sách này sẽ ghi điểm trong mắt các nhân sự trẻ đấy.

Chương trình chăm sóc sức khỏe trực tuyến: Tận dụng sự ra đời của các ứng dụng chăm sóc sức khỏe trực tuyến ngày càng nhiều, doanh nghiệp có thể thêm chính sách này vào gói đãi ngộ của công ty. Đặc biệt khi việc di chuyển đến các bệnh viện trở nên nhọc nhằn và phức tạp vì tình hình dịch bệnh, đây là giải pháp chu đáo nhất đến từ phía doanh nghiệp.

Trước khi đổi mới chính sách phúc lợi, hãy: 

Khoanh vùng đối tượng mà bạn hướng đến. Chính sách phúc lợi có thể ví von như gu thẩm mỹ của giới làm nhân sự – không phải ai cũng cảm và phù hợp. Do đó, doanh nghiệp cần hiểu rõ nhân viên và văn hóa công ty trước khi bắt tay xây dựng chính sách phúc lợi. Chính sách phúc lợi tốt phải cân bằng được việc thu hút nhân tài mới và giữ chân nhân tài cũ. 

Ví dụ, nếu độ tuổi trung bình của công ty bạn là những người thuộc thế hệ Millennials hoặc Gen-Z, hãy xây dựng chính sách phúc lợi thiên về phát triển năng lực bản thân, hỗ trợ công cụ công nghệ số, sức khỏe tinh thần. 

Nếu vẫn không chắc chắn nên bắt đầu xây dựng chính sách phúc lợi như thế nào hãy làm khảo sát. Bên cạnh những câu hỏi về chính sách mới, doanh nghiệp nên tận dụng cơ hội này để lấy phản hồi của nhân viên về những đãi ngộ mà họ thực sự sử dụng. Bạn biết đó, có nhiều chính sách mà chúng ta thậm chí chả đụng đến trong suốt khoảng thời gian đi làm. Vậy có nhất thiết phải giữ chúng lại? 

JobHopin Team