Tác giả Nguyễn Phi Vân: “Thời của máy, mình càng phải rất người”

Đây là chia sẻ của tác giả Nguyễn Phi Vân trong cuốn sách sắp được ra mắt với độc giả có tên: “NYM – Tôi của tương lai’’ vào ngày 15/07/2020 tới đây. 

“Thời của máy…”

Được nhắc đến lần đầu tiên trong một báo cáo của chính phủ Đức năm 2013, đến năm 2015, khái niệm “Industry 4.0” đã được Thủ tướng Đức Angela Merkel tiếp tục nhắc tới tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos tháng 1/2015, khẳng định con người đã chính thức bước vào một cuộc cách mạng mới có quy mô và tác động lớn nhất cho đến nay trong lịch sử loài người. 

Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư (The Fourth Industrial Revolution – FIR) được hình thành trên nền tảng của cuộc cách mạng thứ 3 – cuộc cách mạng kỹ thuật số, sử dụng các thiết bị điện tử, công nghệ thông tin để tự động hóa hơn nữa quá trình sản xuất – (Larry Hatheway, 2016). CMCN 4.0 không chỉ giới hạn ở tự động hóa, hệ thống thông minh và được kết nối, mà còn bao trùm phạm vi rộng lớn bao gồm các làn sóng phát triển của những đột phá trong các lĩnh vực khác nhau: từ mã hóa chuỗi gen cho tới công nghệ nano, in 3D, từ các năng lượng tái tạo tới tính toán lượng tử (Roland Berger, 2014, p10). 

Cách mạng 4.0

Hiểu một cách ngắn gọn là “Industry 4.0” một thuật ngữ bao gồm một loạt các công nghệ tự động hóa hiện đại, xu hướng trao đổi dữ liệu, công nghiệp chế tạo và sản xuất thông minh. Theo đó, cuộc cách mạng này tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo ra các “nhà máy thông minh” với cấu trúc đa dạng và linh hoạt, tại đó các hệ thống vật lý không gian ảo sẽ giám sát các quá trình, tạo ra một bản sao ảo của thế giới vật lý.

Với Internet của vạn vật (IOT – Internet of Things), các hệ thống vật lý không gian ảo này tương tác với nhau và với con người theo thời gian thực. Sau đó, thông qua Internet của các dịch vụ (IOS – Internet of Services), người dùng sẽ được tham gia vào chuỗi giá trị thông qua việc sử dụng các dịch vụ này – đồng nghĩa với sự phức tạp của mạng lưới sản xuất và nhà cung cấp sẽ tăng lên rất nhiều. Thông qua việc kết nối này, các doanh nghiệp sẽ tạo ra những mạng lưới thông minh trong toàn bộ chuỗi giá trị để có thể kiểm soát lẫn nhau một cách tự động, qua đó giúp xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học.

Như vậy, với CMCN lần thứ 4, các quốc gia đang phát triển như nước ta đang tận dụng lợi thế có nguồn nhân lực trẻ, giá rẻ, sẽ không còn là lợi thế cạnh tranh, thu hút đầu tư từ các quốc gia trên thế giới. Nói cách khác, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tác động lớn đến thị trường lao động. Các nhà quản lý sẽ lựa chọn điều gì: một bên là đội ngũ nhân sự có sự hạn chế trong khả năng học hỏi, năng suất lao động, độ tuổi lao động, phải chịu các ràng buộc về thuế, chế độ đãi ngộ… với một bên là sự xuất hiện của robot có trí tuệ nhân tạo mang lại nhiều ứng dụng trong xã hội. Nhờ công nghệ AI, người máy làm việc càng thông minh, có khả năng ghi nhớ, học hỏi vô biên, trong khi khả năng đó ở con người càng lớn tuổi sẽ càng suy yếu. Ưu điểm làm việc 24/24, không cần trả lương, đóng thuế, bảo hiểm… Tất cả những điều này đang đe dọa đến sự tương quan trong việc sử dụng lao động là người thật hay người máy. 

Là thế hệ được sinh ra và lớn lên trong thời đại mà công nghệ thông tin rất phát triển và đi vào mọi mặt của đời sống, liệu Gen Z – lực lượng lao động mới trong xã hội sẽ đón nhận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như thế nào? Làm sao để thế hệ này tận dụng được mọi lợi thế của mình, đón đầu xu hướng, trở thành những công dân dẫn đầu của kỷ nguyên số. Tất cả sẽ được chỉ dẫn bởi tác giả Nguyễn Phi Vân qua cuốn sách: “NYM – Tôi của tương lai”. 

“…mình càng phải rất người.”

Thế kỷ XXI đã chứng kiến sự ra đời của những công nghệ làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của loài người cùng với đó là những ngôn ngữ của tương lai: AI, Blockchain, Machine Learning, Biotech, AR, VR, Hologram… Cũng giống như cách chúng ta phải tập làm quen cách sử dụng tiếng Anh khi đất nước mở cửa giao thương kinh tế trước đây. Để bước vào CMCN 4.0, mỗi chúng ta cũng cần trang bị cho mình những ngôn ngữ của tương lai mới. 

Trong cuốn, “NYM – Tôi của tương lai”, tác giả Nguyễn Phi Vân đề cập Gen Z – thế hệ được sinh ra và lớn lên song hành với sự phát triển của công nghệ. Ngày càng nhiều ý kiến cho rằng thế hệ này đang có những cách biệt lớn với lớp thế hệ đi trước: về tư duy, về ý thức hệ… Ngược lại, Gen Z cũng có nhu cầu được thấu hiểu anh chị, cha mẹ của mình. Làm sao chúng ta có thể chia sẻ, thấu hiểu lẫn nhau nếu như chúng ta không có cùng một phương tiện ngôn ngữ. Có lẽ, đã đến lúc mỗi bậc phụ huynh cần nhận thức rõ được rằng, để vững chắc sự nghiệp ta cần liên tục trau dồi kiến thức, kĩ năng mềm, để thấu hiểu con mình, ta cần mở lòng, trao yêu thương, tìm cách để giao tiếp cùng con.

Tác giả Nguyễn Phi Vân

Cuốn sách: “NYM – Tôi của tương lai” của tác giả Nguyễn Phi Vân được ra đời từ đây. Nhân vật NYM sẽ là cầu nối, là người bạn cùng học, cùng chơi, cùng đọc sách, cùng nghe nhạc… tìm ra tiếng nói chung của các thế hệ đi trước với Gen Z. Có NYM, ngôn ngữ của tương lai, ngoài công nghệ, còn có ý nghĩa nhân văn như thế.  

Câu chuyện tương lai robot sẽ thống trị thế giới hay con người sẽ thống trị thế giới, có lẽ câu trả lời đang nằm trong tay của mỗi chúng ta. Chính chúng ta là người quyết định tương lai đó chứ không phải là công nghệ. Bởi vì con người tạo ra công nghệ. Vì thế, nếu con người chủ động tiếp nhận các kiến thức mới, làm chủ các thành tựu công nghệ, thì dù công nghệ có những bước tiến như thế nào cũng đều là được con người tạo ra, phục vụ các nhu cầu của con người. 

Ví dụ như trí tuệ nhân tạo AI, nếu ta có thể cho phép AI tự học trên mạng nhưng con người sẽ có sự kiểm tra lại những thông tin đó; khi có ý định đăng tải thông tin nào đó lên internet, chúng ta cần đặt câu hỏi xem thông tin này có đủ tích cực để gửi đến mọi người không. Chúng ta sẽ sử dụng AI để làm những điều tốt cho hành tinh này hay xem chúng là vũ khí để huỷ diệt con người. Tất cả là do chúng ta lựa chọn. 

Xem thêm: Ngành nghề lên ngôi năm 2019: Liệu ngành của bạn có được gọi tên?

NYM – Tôi của tương lai

Tác giả Nguyễn Phi Vân đã tạo nên một nhân vật gần gũi, đầy nhân văn, có tên NYM, sẽ được thể hiện đầy đủ trong cuốn “NYM – Tôi của tương lai” là một ví dụ cụ thể nhất để chứng minh, trí tuệ nhân tạo AI hay nói rộng hơn là sự phát triển của công nghệ nếu được sử dụng vào những mục đích tốt thì rất hữu ích. 

Nếu bạn muốn hiểu rõ bản chất cuộc cách mạng công nghệ 4.0 là gì, những tác động của nó sẽ làm thay đổi tương quan mối quan hệ giữa người với máy ra sao, ta cần trang bị cho mình những gì để tiến bước vào giai đoạn mới… Hãy tìm đọc ‘Nym – tôi của tương lai’ do tác giả Nguyễn Phi Vân chắp bút sẽ được ra mắt độc giả vào ngày 15/07 tới đây. 

JobHopin Team