CGO JobHopin: “Không có động lực nào lớn hơn chính mình”

Trong buổi AMA ngày 16/6 vừa qua, anh Bùi Quang Tinh Tú đã có những chia sẻ thú vị và hữu ích về Growth & Digital Marketing, cũng như tâm sự những lát cắt trong hành trình Digital Marketing của riêng anh. Hãy cùng điểm lại những khoảnh khắc nổi bật trong buổi AMA hôm 16/6 vừa qua nhé.

Ngay cả khi là chuyên gia, bạn cũng cần phải mở rộng kiến thức và chuyên môn 

Buổi chia sẻ bắt đầu bằng câu hỏi của bạn Phạm Minh Nhật: “Em có coi LinkedIn và biết anh Tú bắt đầu công việc của mình như một người làm SEO, vốn là công việc tương đối kỹ thuật, nhưng từ đó anh đã phát triển đến được vị trí như hiện tại, anh có thể chia sẻ việc anh lựa chọn hướng phát triển của bản thân anh như thế nào không?”

Hành trình bắt đầu khi anh còn là một tân cử nhân Tiếng Anh Kinh Doanh, anh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tự học các kỹ năng, từ dịch bài viết, tối ưu hóa SEO, kéo traffic về website cho công ty,… dần dà đến những công việc đòi hỏi SEO hạng nặng mà anh theo đuổi 3-4 năm sau đó. Năm 2009, anh nói, “SEO chưa phát triển ở Việt Nam, nên tất cả những gì anh tìm kiếm để học là từ nước ngoài.”

mo-rong-kien-thuc-va-chuyen-mon-la-viec-phai-hoc-tap-ca-doi

Mở rộng kiến thức và chuyên môn là việc phải học tập cả đời

Từng đảm nhiệm nhiều chức vụ ở công ty nước ngoài và các tập đoàn lớn, anh Bùi Quang Tinh Tú cho rằng người làm chuyên môn không chỉ nên hiểu sâu mà còn cần phải hiểu rộng, tự trang bị những kỹ năng liên quan để bổ trợ cho lĩnh vực của mình, vì theo anh “Nếu chỉ tập trung vào những gì mình đã biết, bạn sẽ bỏ lỡ những cơ hội khác”.

Xem thêm: Zion Sky Lounge & Dining: Địa điểm đặc biệt diễn ra sự kiện tháng 4 JobHopin!

“Growth Marketing chính là Digital Marketing…

… nhưng tập trung vào phát triển người dùng, tìm kiếm được người dùng mới với chi phí tốt nhất, giữ chân người dùng hiện tại trên nền tảng của mình.” – Anh Bùi Quang Tinh Tú chia sẻ, khi nhận được câu hỏi của bạn Nguyễn Hà: “Digital marketing và growth marketing thật sự khác nhau như thế nào ạ? Em có thử tìm hiểu và đọc qua nhiều nội dung nhưng thật sự vẫn chưa hiểu rõ được điểm khác biệt. Anh có thể giải thích rõ hơn không?”

Đối với anh, Digital Marketing cùng với Growth Marketing đều là những tập hợp con (subset) của ngành Marketing rộng lớn. Với nhu cầu phân hóa, những khái niệm này được ra đời để đáp ứng tốt hơn nhu cầu Marketing chuyên biệt. Chẳng hạn, Growth Marketing tách nhỏ từ Digital Marketing để tập trung phát triển khách hàng: tối ưu hóa quá trình làm việc với khách hàng, tìm và giữ chân khách hàng lâu hơn, thúc đẩy hành vi mua sắm,.. nhằm cắt giảm chi phí thu hút khách hàng mới và đem lại lợi nhuận (revenue) cao hơn cho doanh nghiệp.

Growth Marketing, cũng như Digital Marketing, đều là nhánh con của ngành Marketing rộng lớn

Một đặc điểm quan trọng của Growth Marketing là sẽ được áp dụng hiệu quả khi khách hàng doanh nghiệp có sẵn nền tảng (platform) tận dụng được data của khách hàng. Khi được hỏi về công việc hằng ngày của một người làm Growth Marketing (bạn Thúy Quỳnh Vy), anh Bùi Quang Tinh Tú cho biết mục tiêu của vị trí này là tăng số lượng người dùng cho platform doanh nghiệp nhờ vào data từ nhiều nguồn có sẵn. Từ đó, Growth Marketer có thể tổng hợp, phân tích và đánh giá được những điểm trong hành trình mà khách hàng bị “rơi mất” để đưa ra những giải pháp giảm thiểu thất thoát và tăng giá trị mà khách hàng nhận được. 

Anh cũng phân tích trường hợp của Cocacola khi nhận được câu hỏi từ bạn Lý Trang Tuyên: “Em thấy một số công ty như Cocacola có thay đổi vị trí CMO (Chief Marketing Officer) thành CGO (Chief Growth Officer), vậy thì thật ra sự khác biệt giữa 2 vị trí này là gì anh? Growth có phải là bước phát triển tiếp theo của marketing? Hay 2 vị trí đó có cùng tồn tại trong một công ty không?”. Thật ra, Cocacola đã chuyển đổi hai vị trí này trở này vào năm 2019-2020, và anh Bùi Quang Tinh Tú phân biệt sự khác biệt ở nhiệm vụ:

CMO sẽ chịu trách nhiệm giám sát thương hiệu, ở mọi hoạt động Marketing và truyền thông, chiến lược thâm nhập thị trường và thu hút người dùng. Trong khi đó, CGO tập trung hơn vào phát triển khách hàng và cũng sẽ trùng lặp một số nhiệm vụ với CMO. Tùy vào nhu cầu và khả năng của doanh nghiệp, sẽ có vị trí CGO hoặc CMO, hoặc cả hai, để điều phối và thực thi các hoạt động kinh doanh.

Xem thêm: Tôi học được gì với 2.5 năm kinh nghiệm làm Product Manager?

“Câu chuyện của Tú không phải là về khả năng, mà là thái độ”

Trả lời câu hỏi của bạn Thanh Han về một sai lầm khi làm Digital Marketing, anh Bùi Quang Tinh Tú nhớ lại một trường hợp cụ thể khi anh quản lý một nhân viên rất giỏi nhưng lại thiếu kỹ năng làm việc nhóm và tư duy cởi mở. Thời gian làm việc 6 tháng của nhân viên đó đã gây nên những tổn hại lớn đến không khí đội nhóm và văn hóa công ty.

trinh-do-quan-trong-nhung-thai-do-moi-la-yeu-to-quyet-dinh-de-giu-lai-mot-nhan-vien

Trình độ quan trọng, nhưng thái độ mới là yếu tố quyết định để giữ lại một nhân viên

“Tất cả các bạn trong team đều cảm thấy không sẵn sàng làm việc với bạn, áp đảo, không thể góp ý được.” 

Ở vị trí một người sếp, anh rút ra được bài học quý giá: là một người giám sát, cần phải chú ý hơn về biểu hiện nhân viên mình để nhanh chóng điều chỉnh hành động cho phù hợp.  

Và bài học sâu sắc về giá trị

Anh Bùi Quang Tinh Tú cho rằng “Không có động lực nào lớn hơn chính bản thân mình” khi được bạn Huyền Thanh hỏi về cách giữ lửa sáng tạo trong công việc. “Tất cả mọi thứ đều đem lại giá trị cho mình và nó nên tiếp tục như vậy.”

Xuyên suốt buổi chia sẻ, anh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mang lại giá trị cho khách hàng. Bạn Anh Tran đặt câu hỏi “Làm thế nào để Facebook group được biết đến và thu hút thêm nhiều thành viên hơn? Mình đang xây dựng một cộng đồng về F&B nhưng không hiệu quả mấy, Tú có lời khuyên nào để xây dựng cộng đồng online active và engaging hơn không?”

Anh Bùi Quang Tinh Tú gợi ý ba câu hỏi quan trọng giúp bạn định hình rõ hơn về cộng đồng:

  • Giá trị nội dung cộng đồng bạn tạo ra là gì?
  • Điểm khác biệt so với những cộng đồng tương tự trên Internet là gì?
  • Cộng đồng của bạn có tính consistency – nội dung có được đều đặn, thường xuyên đăng tải hằng ngày không?

Đồng thời, để đo lường mức độ hiệu quả của những kênh truyền thông, bạn hoàn toàn có thể tận dụng những công cụ có sẵn như Supermetrics. anh tin rằng, với định hướng đúng đắn và sử dụng những công cụ hỗ trợ, bạn hoàn toàn có khả năng đem lại giá trị cao hơn cho tệp khách hàng mình đang phục vụ.

Xem lại buổi AMA 16/6:

Lời kết

Hy vọng rằng những kiến thức và kinh nghiệm quý giá anh Bùi Quang Tinh Tú mang đến về Digital hoặc Growth Marketing đã giúp các bạn hiểu rõ hơn về định hướng nghề nghiệp và chiến thuật quản trị con người. Để nhận được những góc nhìn từ chuyên gia, hãy theo dõi những tập AMA tiếp theo của JobHopin nhé.

  • Đăng ký nhận thông tin & kiến thức được chia sẻ từ  anh Bùi Quang Tinh Tú: [LINK]
  • Tham gia Cộng đồng Digikigai của JobHopin để nhận thông báo mới nhất về các sự kiện hấp dẫn sắp tới!

JobHopin Team