nhân viên pr

PR viết tắt của public relations hay quan hệ công chúng. Một lĩnh vực sử dụng truyền thông để  để duy trì, củng cố hoặc cải thiện hình ảnh của một doanh nghiệp trong mắt đại chúng. Chính vì nhận ra tác động trực tiếp của việc xây dựng hình ảnh đối với sự phát triển của doanh nghiệp, vị trí nhân viên PR ngày càng được chú ý tuyển dụng. 

Vậy nhân viên PR là gì? Tại sao các doanh nghiệp cần nhanh chóng bổ sung vị trí này vào tổ chức? Kỹ năng và tố chất cần có của một nhân viên PR “chính gốc” là gì? 

Chính xác thì nhân viên PR làm gì? 

Tương tự như khái niệm quan hệ công chúng, nhân viên PR là người đảm nhận công việc duy trì, củng cố và cải thiện hình ảnh của doanh nghiệp trong mắt đai chúng. Họ thực hiện công việc này thông qua các phương tiện truyền thông như báo chí, mạng xã hội, chiến dịch quảng bá hoặc truyền thống nhất là thông qua xây dựng quan hệ với giới phóng viên, báo đài. 

Ngoài ra, nhân viên quan hệ công chúng còn đảm nhận các trọng trách cân bằng đối nội và đối ngoại. Đảm bảo stakeholder (bên liên quan) bao gồm người trong nội bộ và bên ngoài có trải nghiệm hoặc phản hồi tốt nhất về một chiến dịch, một sự kiện, thậm chí là khủng hoảng nào đó. Nhắc đến khủng hoảng, đặc biệt là khủng hoảng truyền thông, một “món ăn” mà dân làm PR nào cũng phải biết, nhưng không phải ai cũng được trải nghiệm hoặc có nhu cầu trải nghiệm. 

Tóm lại là, nhân viên PR là người giúp cho hình ảnh một công ty trở nên tốt đẹp hơn trong mắt công chúng. Hoặc nếu trớ trêu thay, công ty có rơi vào khủng hoảng truyền thông, thì nhân viên PR cũng là người sẽ “chạy đôn, chạy đáo” để phản hồi cho công chúng nhanh nhất có thể. Vừa làm dịu dư luận, vừa tránh ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty. 

Muốn làm nhân viên PR cần kỹ năng và tố chất gì? 

Đầu óc sáng tạo: Làm việc nhiều với hình ảnh công ty, sở hữu những ý tưởng đột phá là điều kiện cần ở một nhân viên PR. Đặc biệt, bạn sẽ càng lợi thế hơn nếu có khả năng thể hiện chúng ra câu chữ. Vì công việc thường ngày của dân PR hầu hết dính liền với việc viết. Viết thông cáo báo chí, viết kịch bản quảng cáo, TVC, lên kế hoạch truyền thông,…Nên sáng tạo và viết luôn phải đi đôi với nhau. 

>>> Xem thêm: Sáng tạo nội dung: Viết hay thôi thì chưa đủ!

Kỹ năng giao tiếp và thuyết trình tốt: Dân PR hầu hết là những người có khả năng ăn nói tốt. Họ nắm bắt không khí chung rất nhạy, đàm phán giỏi và luôn tinh tế trong giao tiếp. Nhân viên PR cũng thường xuyên phải nói trước công chúng, khách hàng,..vì vậy đừng quên kỹ năng thuyết trình là một trong những kỹ năng nói không thể thiếu của nhân viên PR nhé.

Nhạy xu hướng: PR đòi hỏi bạn luôn phải câp nhật và đọc tin tức để không bị tụt hậu so với đối thủ. Nhân viên PR giỏi chính là những người luôn theo kịp xu hướng mới của thời đại, và ứng dụng sự mới mẻ đó vào thực tiễn. Lợi dụng mối quan tâm thức thời của công chúng, kết hợp truyền tải và lan tỏa thông điệp của công ty. 

Có hiểu biết sâu rộng: Muốn nói chuyện giỏi, kho kiến thức của nhân viên PR hội tụ đủ từ nam chí bắc, Âu tới Á,..Nhiều người làm PR mà tôi biết không chỉ giỏi chuyên môn, mà mỗi lần nói chuyện với họ là một lần tôi được khai sáng một chủ đề mới từ hội họa, lịch sử đến công nghệ.

Vì sao PR ngày càng được các doanh nghiêp trọng dụng? 

Tăng mức độ uy tín của doanh nghiệp

Là một nhân viên PR, công việc chính của bạn vẫn là đảm bảo hình ảnh của công ty ngày càng vững chắc hơn trong mắt công chúng. Bạn có thể thực hiện việc này bằng cách vận động các chiến dịch cộng đồng để củng cố hình ảnh của công ty.

Tăng lợi nhuận và khách hàng tiềm năng

Bạn biết không? Lý do mà ngày càng nhiều công ty xây dựng hình ảnh theo hướng “kể chuyện”, chính là bởi người dùng có xu hướng lựa chọn những doanh nghiệp có điểm chung với bản thân để kết nối. Một công ty có thể tăng uy tín thông qua những câu chuyện, thông điệp ý nghĩa mà họ tạo ra. Từ đó tiếp cận được nhiều đối tác khách hàng hoặc tìm ra tệp khách hàng tiềm năng hơn, mở rộng nhiều thương vụ và tăng lợi nhuận. 

PR có khả năng thay đổi góc nhìn của mọi người về một doanh nghiệp

Mạng internet cho phép chúng ta bày tỏ quan điểm về mọi thứ. Do đó, bạn sẽ khó lòng mà kiểm soát được những đánh giá tiêu cực về công ty xuất hiện tràn lan trên mạng. Hoặc đôi khi, công ty của bạn xuất sắc ở một lĩnh vực nào đó, nhưng mãi mà vẫn chưa nhận được sự chú ý từ công chúng. Đây là hai trường hợp bạn sẽ cần sự trợ giúp của PR để tạo ra những chiến dịch quảng bá ý nghĩa hơn, tăng nhận dạng thương hiệu với công chúng. 

JobHopin Team