Thế nào là một công việc phù hợp?

Khoa học đã chứng minh rằng: một ngành nghề phù hợp với tính cách bản thân chính là tiền đề cho một cuộc sống ý nghĩa và một sự nghiệp vững chắc. Mỗi sớm mai lên công ty không còn là trò chơi sinh tồn, nếu như bạn tìm thấy hình bóng bản thân trong công việc hiện tại. 

Tìm được cái “nghề” dành cho bản thân không hề dễ dàng, nhưng cũng không phải là không tưởng. Đó là khi bạn cảm thấy một sự đồng nhất giữa môi trường văn phòng, công việc được giao, và giá trị cho đi-nhận lại. Ngành nghề càng tương giao với tính cách thì bạn càng làm việc năng suất, kiên cường đón đầu thử thách, tràn đầy động lực và năng lượng để “bonding” với đồng nghiệp. Kết quả là, bạn sẽ hoàn thành nhiệm vụ được giao một cách xuất sắc, và đãi ngộ chính vì thế cũng tăng theo. 

Làm sao để biết rằng vị trí đó chính là “chân ái” cho sự nghiệp của bạn? Dưới đây là tập hợp những điều kiện “cần” và “đủ” để đánh giá mức độ phù hợp của công việc, được mô phỏng từ tháp nhu cầu của Abraham Maslow. Hãy cùng ngồi xuống, lấy giấy bút và tìm xem làm thế nào để tìm thấy chân ái cuộc đời mình. 

Nhu cầu cơ bản 

Tháp nhu cầu của Maslow đã chỉ ra rằng, một người chỉ có thể khai thác hết tiềm năng bản thân khi họ đã có trong tay những yêu cầu cơ bản trong cuộc sống. Tương tự, trong môi trường làm việc cũng vậy. 

Nhu cầu vật chất 

Môi trường làm việc xung quanh là yếu tố tiên quyết giúp bạn cảm thấy thư giãn, thoải mái để tập trung làm tốt phần việc của mình. Hãy tự hỏi: 

  • Bạn thích không gian cá nhân như thế nào? Sôi động, riêng tư, yên tĩnh?
  • Bạn có cảm thấy thoải mái khi làm việc với những người hướng ngoại năng nổ?
  • Bạn thường tận hưởng cách bài trí không gian như thế nào, từ màu sắc, bố cục, đến bài trí? 

Nhu cầu xúc cảm 

Là những khía cạnh liên quan đến cảm xúc và mối quan hệ, ví dụ như cách bạn tương tác với đồng nghiệp, hay bạn cảm thấy tin tưởng và gắn bó với công ty đến mức độ nào. Dù bạn hướng nội hay hướng ngoại, thích làm việc một mình hay làm việc nhóm, thì mối quan hệ giữa bạn và người xung quanh trong công ty sẽ tác động đến chất lượng công việc của bạn đấy. 

  • Bao lâu thì bạn bắt chuyện với đồng nghiệp?
  • Thường thì bạn muốn cuộc họp kéo dài bao lâu? Và bạn có hứng thú, tích cực đóng góp không? 
  • Điều gì từ phía đồng nghiệp sẽ làm bạn thấy gắn kết?

Nhu cầu tổ chức 

Ở tầng thứ 3 này, bạn cần phải đánh giá xem thử một mô hình, doanh nghiệp nào là lý tưởng đối với bạn. Hãy nhìn nhận nhiều khía cạnh khác nhau, từ quy mô, văn hóa, phong cách lãnh đạo, danh tiếng, đến sản phẩm, giá trị cốt lõi, và chỗ đứng trên thị trường. 

  • Đối với bạn, một lãnh đạo giỏi là người như thế nào? Họ có cần phải có lý tưởng sống giống bạn không? 
  • Sứ mệnh của công ty có quan trọng với bạn không? 
  • Bạn mong muốn được phát triển trong một môi trường văn hóa như thế nào? 

Nhu cầu phát triển 

Khi những điều kiện “cần” đã được đáp ứng, chúng ta tiếp tục cân nhắc điều kiện “đủ” để có thể phát triển, nuôi dưỡng con người. 

Sức khỏe và đời sống

Để đạt được sự cân bằng giữa công việc và đời sống, hãy chủ động quyết định cách bạn sử dụng năng lượng cho một ngày. 

  • Bạn muốn quản lý bao nhiêu phần trăm kế hoạch công việc mỗi ngày? Cần bao lâu để bạn nghỉ ngơi và sạc năng lượng? 
  • Bạn thích đi làm và tan ca vào khoảng mấy giờ? 
  • Bạn cần mức độ linh hoạt trong thời gian biểu bao nhiêu? 

Trau dồi và thể hiện

Đứng trên đỉnh của tháp nhu cầu là kiến thức, kỹ năng, và trách nhiệm công việc mà bạn muốn đặt ra cho bản thân. Mỗi người có một hạn mức khác nhau – người thì “khô máu” vì đam mê, kẻ lại muốn chạm ngưỡng đủ để qua ngày. Xác định xem bạn cần gì để phát triển bản thân: 

  • Theo bạn, đâu là thế mạnh của mình? 
  • Khi nào thì những công việc được giao khiến bạn hứng thú, và khi nào chúng làm bạn mệt mỏi? 
  • Bạn muốn cải thiện kỹ năng nào? Bạn muốn học được những gì?  

4 cách xác định nhu cầu bản thân và tìm công việc phù hợp

Tìm được câu trả lời cho những câu hỏi trên sẽ ít nhiều giúp bạn tìm được công việc, môi trường phù hợp với bản thân. Còn đối với ai vẫn còn mơ hồ, hãy xem qua 4 phương pháp “gỡ rối” giúp bạn định hướng bản thân sau đây: 

Nhìn lại quá khứ 

Nhớ lại xem trước đây bạn đã từng “kinh” qua những vị trí to nhỏ nào, và xem thử bạn thích và ghét điều gì nhất ở chúng. Có kỷ niệm nào đáng nhớ không? Có điều gì làm bạn muốn có cơ hội được tiếp tục phát triển không?

Hãy ưu tiên thay vì phân vân 

Đôi lúc, bạn nhận ra mình đang đứng giữa ngã ba của lựa chọn. Đừng tham lam ôm đồm hết mọi thứ, xác định xem bạn muốn ưu tiên cái nào, và cái nào bạn sẵn sàng đánh đổi. 

Tự điều chỉnh công việc 

Bạn có thể chủ động thay đổi vai trò của mình để phù hợp với định hướng nghề nghiệp. Nếu như bạn thích làm L&D (Learning & Development – hỗ trợ và đào tạo nhân viên), mà công việc của bạn tập trung vào thực hành quá nhiều, thì bạn có thể lên kế hoạch chuyển phần việc của mình sang xây dựng tài liệu training cho người khác.  

Hướng về tương lai gần

Thay vì tỉ mỉ lên kế hoạch dài hạn 5 năm, tém lại một chút, nghĩ xem ngày này năm tới bạn đang làm gì? Có gì mới, có gì cũ? Hoặc là trong vòng 6 tháng nữa, bạn đang ở đâu? 

Cũng giống như tình yêu vậy, có người tìm được “tình yêu sét đánh” từ trước khi bước chân vào đại học, có người phải lăn xả nhiều vị trí khác nhau mới biết được chân ái của mình là ai, và cũng có người chấp nhận sống chung với một công việc không phù hợp với mình. Hi vọng rằng, bài viết trên đã soi đường cho những ai đang còn lạc lối trên con đường sự nghiệp của mình.  

JobHopin Team