Hệ giá trị doanh nghiệp: Xin đừng chỉ hứa suông!

Khi thị trường lao động ngày càng cạnh tranh khốc liệt và tỷ lệ nghỉ việc tăng cao, các doanh nghiệp ra sức thu hút ứng viên bằng những chính sách đãi ngộ vô cùng hấp dẫn và hệ giá trị doanh nghiệp hoàn hảo. Tuy nhiên, không phải lúc nào họ cũng thực hiện đúng như lời hứa của mình.

Nhiều nhân viên mới cảm thấy hối hận chỉ sau vài tháng đầu tiên khi họ nhận ra sự chênh lệch quá lớn giữa kỳ vọng và những gì họ thực sự nhận được. Bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu bỏ tiền mua một chiếc iPhone đời mới nhưng chỉ vài ngày sau phát hiện ra đó là hàng nhái?

Khi tìm kiếm một công việc mới, ta luôn có xu hướng muốn tin vào những viễn cảnh “màu hồng”: cơ hội thăng tiến, phát triển sự nghiệp và sự cân bằng giữa công việc/cuộc sống. Chúng ta hăm hở tin vào lời hứa của nhà tuyển dụng cũng giống như chúng ta háo hức sử dụng chiếc iPhone mới coóng.

Bài viết liên quan:

Sự thật thì sao?

Hầu hết doanh nghiệp đều đặt ra cho mình một hệ giá trị riêng. Những giá trị này được coi là nền móng cho văn hóa của công ty và được nhắc đến thường xuyên trong các văn bản báo cáo, thuyết trình với nhà đầu tư. 

Vấn đề là, hiếm khi những điều tốt đẹp này được áp dụng, thể hiện trong thực tế công việc. Không ít nhà lãnh đạo đề ra hệ giá trị doanh nghiệp nhưng sau đó hoàn toàn lơ là việc củng cố, hiện thực hóa những giá trị đó mà chỉ tập trung vào mục tiêu tăng trưởng trước mắt. 

Hệ giá trị và văn hóa công ty cần được củng cố, cải thiện thường xuyên

Tệ hơn, có những nơi “nói một đằng, làm một nẻo”, dù thường xuyên rao giảng những thông điệp truyền cảm hứng nhưng thực trạng thì vô cùng xấu xí. Văn hóa thân thiện nhưng đồng nghiệp thì soi mói, dò xét lẫn nhau. Môi trường làm việc cống hiến trên thực tế là bóc lột sức lao động. Công ty đề ra sứ mệnh phát triển con người nhưng nhân viên làm việc mãi vẫn chỉ giậm chân tại chỗ…

>> Xem thêm:  Lấy con người làm trung tâm: Động lực tăng trưởng trong thời kỳ “bình thường mới”

Có 5 nói 10

Nhiều công ty đã đầu tư thiết kế cả tờ rơi, ấn phẩm để tạo dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh và thu hút ứng viên. Từ tầm nhìn chiến lược đầy tham vọng, môi trường công sở văn minh-thân thiện, cho đến chính sách trọng dụng người tài, mọi thứ đều khiến cho ứng viên muốn bắt đầu làm việc ngay tức khắc. Thế nhưng tất cả sẽ trở nên vô ích nếu hệ giá trị doanh nghiệp hào nhoáng không đi kèm với giá trị thực sự. Ứng viên thì sao? Họ sẽ nhanh chóng vỡ mộng và lên đường tìm kiếm những cơ hội khác. Điều này sẽ làm lãng phí thời gian và công sức của cả đôi bên.

Vậy, làm thế nào thu hút được những ứng viên giỏi và cho họ thấy được tiềm năng của công ty mà không nói quá đến mức tạo ra sự ảo tưởng, kỳ vọng phi thực tế?

Hãy tự đặt ra hai câu hỏi chính:

  • So với một người mới đến, một nhân viên kỳ cựu nhận định về công ty có gì khác biệt?
  • Làm thế nào truyền tải được điều này tới các ứng viên để họ có thể hiểu đúng thực trạng của công ty và đưa ra quyết định gia nhập một cách sáng suốt?

Tại một công ty năng lượng ở Australia, người ta đã khảo sát ý kiến của nhân viên khi vừa mới nộp đơn ứng tuyển, sau hoàn thành phỏng vấn, và sáu tháng sau khi chính thức bắt đầu làm việc. Việc hiểu được những thay đổi trong nhận thức của nhân viên sẽ là cơ sở để xây dựng định vị giá trị nhân viên (EVP) giúp doanh nghiệp tuyển dụng “đúng người, đúng việc” dựa trên những kỳ vọng thực tế.

Nên bắt đầu từ đâu?

Không phải công ty nào cũng có đủ thời gian và công sức cần thiết để phát triển bộ định vị giá trị nhân viên EVP hoàn chỉnh. Tuy nhiên, bạn có thể bắt đầu bằng việc xác định mức độ chênh lệch giữa hệ giá trị doanh nghiệp và thực tế. Dù mục tiêu có lý tưởng đến mấy, bạn cần biết công ty hiện đang ở đâu, công ty đang hướng tới đâu và bạn đang làm gì để đưa công ty đến đó.

Lời nói gió bay, nếu lãnh đạo doanh nghiệp không tập trung vào việc thúc đẩy sự thay đổi mỗi ngày thì công ty sẽ sớm trở nên trì trệ. Vì vậy, hãy không ngừng cải thiện môi trường làm việc để từng bước hiện thực hóa hệ giá trị doanh nghiệp mà bạn mong ước.

Phỏng dịch từ workable.com

The JobHopin team