Liệu bạn có phải là Người hướng trung (Ambivert)?

Trước khi khái niệm người hướng trung trở nên phổ biến, chúng ta đã không ít lần gặp qua câu hỏi: Bạn là người hướng nội hay hướng ngoại? Câu trả lời chỉ đơn giản là một trong hai, thế nhưng không ít người chẳng dễ dàng đưa ra lựa chọn. Nguyên do có phải vì sự phân biệt rạch ròi này đã trở nên lỗi thời? 

Thực tế, chẳng có “công thức đo lường” tính cách nào là hoàn hảo cho tất cả. Ai rồi cũng phải đi qua nhiều giai đoạn cuộc sống, ít nhất sẽ có những thay đổi về suy nghĩ, tư duy và thái độ. Nếu thế giới bắt buộc phải chia làm 2 nhóm người hướng nội hay hướng ngoại, vậy sẽ có một đại bộ phận trong chúng ta hẳn là không thuộc về trái đất này.

Người hướng trung, họ là ai?

Người hướng trung – Ambivert là những cá nhân sở hữu tính cách pha trộn giữa hướng nội và hướng ngoại. Thật khó để phân định rõ ràng khi hôm nay, họ có thể tròn vai một người quảng giao, giỏi ăn nói, dễ kết bạn. Thế nhưng ngày mai họ lại muốn được ở một mình, dành trọn thời gian cho bản thân hoặc đơn giản là tận hưởng vẻ đẹp của sự cô đơn.

Vậy họ đa nhân cách sao? 

Không, không phải! Chỉ là người hướng trung sẽ có những phản ứng đa dạng hơn với thế giới bên ngoài.

Họ còn được biết đến qua những tên gọi rất… trendy như: Người hướng ngoại khép kín – Antisocial Extrovert, Người hướng nội cởi mở – Outgoing Introvert hoặc Người hướng nội thân thiện – Social Introvert. Nhìn chung, dù được thể hiện dưới cái tên nào thì điểm đặc trưng của họ vẫn không thay đổi, đó chính là khả năng cân bằng, tự điều chỉnh bản thân dựa trên môi trường xung quanh.

Đọc đến đây rồi nhưng bạn vẫn còn phân vân với chính mình, hãy xem tiếp những gạch đầu dòng bên dưới. Và nếu bạn sở hữu phần lớn những tính cách sau, xin chào mừng, bạn đã trở thành một cư dân chính hiệu tại vũ trụ những người hướng trung.

Dấu hiệu nhận biết người hướng trung

Adam Grant – Nhà tâm lý học, Giáo sư tại Đại học Wharton đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về vấn đề này. Ông cho biết, có đến 2/3 dân số thế giới chưa tìm được câu trả lời chính xác cho bản thân, rằng mình là người hướng nội hay hướng ngoại. Cuối cùng, họ là ai?

Sau đây là những dấu hiệu cơ bản để nhận biết người hướng trung:

  • Sở hữu kết quả cân bằng 49 gặp 51 trong các bài trắc nghiệm hướng nội & ngoại
  • Dễ dàng làm việc độc lập, cũng chẳng gặp khó khăn khi làm việc theo nhóm
  • Có người cho rằng bạn trầm tính, số khác lại thấy bạn rất hoạt ngôn
  • Bạn có thể cởi mở trò chuyện giữa đám đông, lúc được ở một mình cũng không tệ
  • Chuyện xã giao không làm khó được bạn, thỉnh thoảng bạn lại cảm thấy chúng rất nhàm chán
  • Bạn dễ bị cuốn vào những cuộc gặp gỡ náo nhiệt, nhưng cũng thường chìm đắm trong suy nghĩ riêng
  • Bạn không thích vận động, di chuyển quá nhiều, lại không muốn cứ mãi ở yên một chỗ

Đôi khi bạn cảm thấy mình có chút lạ, nhưng đừng lo lắng, vì bạn là người hướng trung mà thôi.

>> Xem thêm: Trắc nghiệm tính cách MBTI – Đừng mất thời gian khi chọn sai nghề

Thế mạnh khi là người hướng trung

Chỉ mất 10 giây tìm kiếm trên mạng, bạn sẽ có ngay tất tần tật thông tin về hướng nội hoặc hướng ngoại. Thế còn người hướng trung, họ là trung bình cộng của 2 nhóm tính cách kia chăng? 

Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu

Biết ăn nói là điểm cộng của người hướng ngoại, giỏi lắng nghe là thể mạnh của người hướng nội. Là sự giao thoa, kết hợp nên người hướng trung sở hữu đặc trưng của cả 2. Họ biết cách khơi gợi câu chuyện, lại hiểu rõ lúc nào cần im lặng lắng nghe. 

Dễ dàng hòa hợp với số đông, và cả số ít

Trái dấu thì hút nhau, điều này đúng trong bộ môn vật lý, lại chưa chắc đã đúng trong giao tiếp. Không ít trường hợp những cá nhân trái tính gặp khó khăn trong việc tìm kiếm điểm chung. Người sôi nổi sẽ nhanh chóng thấy buồn chán với sự yên tĩnh. Người trầm lặng thường có đôi chút khó mở lòng trong môi trường mới. Người hướng trung lại có thể cân bằng rất tốt. Họ dễ dàng tìm thấy điểm chung khi kết nối cùng người khác.

Là cá thể độc lập đậm dấu ấn bản thân

Nếu người hướng ngoại mạnh mẽ, quyết đoán, người hướng nội có khả năng phân tích, suy nghĩ sâu sắc thì người hướng trung lại có thể lan tỏa màu sắc cá nhân đến với cộng động. Trong một tổ chức, họ thường đảm nhận vị trí cố vấn hoặc “người hỏa giải” khi có xung đột, giữ vững thế cân bằng của đội ngũ, kéo 2 thái cực hướng nội & ngoại đến gần nhau hơn.

Nhìn nhận thực tế, tính cách hướng trung mang lại nhiều ưu thế, nhưng không có nghĩa người hướng trung nào cũng sẽ sở hữu sự nghiệp thành công. Nhiều tiềm năng phát triển, nhiều sự lựa chọn vừa là điểm mạnh, vừa là bất lợi khiến họ do dự không biết đâu mới là cái tốt nhất dành cho mình. Tuy nhiên, mỗi người sinh ra đều có một sứ mệnh. Cách chúng ta suy nghĩ, hành động chính là minh chứng cho ý nghĩa sự tồn tại của bản thân.

“Hãy thể hiện cá tính, tự do là chính mình, tự tin vào bản thân. Đừng mờ mịt tìm kiếm những tấm gương thành công ở thế giới bên ngoài, để rồi trở thành một bản sao vô nghĩa” – Lý Tiểu Long

Không có nhóm tính cách đúng hoặc sai. Điều quan trọng chính là bạn đã làm được gì và đích đến là ở đâu? Dù bạn là người hướng trung, hướng nội hay ngoại, hãy luôn trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.

JobHopin Team