Xung đột công sở, cách nhận biết & hóa giải môi trường toxic

Dù chúng ta làm việc ở bất cứ đâu, việc mâu thuẫn với đồng nghiệp là không thể tránh khỏi. Một khảo sát của The Myer-Briggs Company cho thấy có tới 85% nhân sự ở tất cả các cấp bậc từng trải qua xung đột công sở. Tuy nhiên, có những cuộc tranh luận giúp đôi bên hiểu rõ vấn đề và cải thiện hiệu quả công việc, còn có những cuộc cãi vã kéo dài nhiều tiếng đồng hồ, ngày này qua ngày khác mà chẳng đi đến đâu và chỉ thể hiện một môi trường làm việc độc hại.

Làm thế nào nhận biết được sự khác biệt này và giải quyết mâu thuẫn sao cho “tình đồng nghiệp mãi mãi bền lâu”?

lam-the-nao-de-giai-quyet-xung-dot-cong-so

Làm thế nào để giải quyết xung đột công sở?

Những việc nên làm

Dám chịu trách nhiệm ✔️

Khi mọi việc đang “thuận buồm xuôi gió” thì có lẽ chẳng ai cần tranh luận làm gì. Những cuộc xung đột công sở nảy lửa thường chỉ nổ ra khi có một rắc rối, khúc mắc nào đó đe dọa thành quả làm việc của tập thể.

Trong công việc, sai sót hay nhầm lẫn là việc thường tình. Từ thực tập sinh cho đến quản lý hay giám đốc, chẳng ai có thể làm việc một cách hoàn hảo 24/7. Đáng buồn là rất nhiều công ty giải quyết khủng hoảng (một cách rất qua loa) bằng cách đổ lỗi cho nhân viên cấp dưới cẩu thả hoặc thiếu kinh nghiệm. Vậy các bước phân công, giám sát, và kiểm duyệt của quản lý thì nằm ở đâu?

dam-chiu-trach-nhiem

Hãy dám đứng ra chịu trách nhiệm cho những sai sót của bản thân

Để có thể cùng trao đổi và tìm ra giải pháp bền vững cho tổ chức, trước hết mỗi người phải can đảm thừa nhận trách nhiệm của riêng mình. Một nghiên cứu về tính trách nhiệm nơi công sở cũng cho thấy việc thiết lập những tiêu chuẩn chung về nghĩa vụ của mỗi người trong tổ chức, đặc biệt là với các vị trí cấp cao, sẽ giúp giảm thiểu xung đột.

Thái độ hợp tác ✔️

Cần phân định rõ ràng mục đích của cuộc tranh luận. Khác với những cuộc tranh luận giữa bạn bè thân thiết, tranh luận nơi công sở không nhằm mục đích chứng minh ai đúng-ai sai mà nhằm giải quyết vấn đề và đạt được sự đồng thuận trong công việc. Những câu cửa miệng như “Sao cũng được”, “Việc gì phải khổ thế”, hay “Thôi được rồi”… cho thấy sự thiếu thiện chí và khả năng cao là dù bạn có lập luận chặt chẽ tới đâu, đối phương cũng không thực sự để tâm.

Nếu được, hãy dời cuộc họp sang một dịp khác bởi có thể, sự bất cần này là do những người tham gia đã quá kiệt sức sau một ngày dài.  Để giải quyết dứt khoát mâu thuẫn, hãy chọn thời điểm mọi người có đủ sức khỏe và tinh thần để tham gia một cách toàn tâm toàn ý. Trong trường hợp bản thân bạn chưa thể tích cực đóng góp ý kiến, ít nhất hãy chăm chú lắng nghe.

hay-co-gang-the-hien-thien-chi-hop-tac-giai-quyet-van-de-cua-ban-than

Hãy cố gắng thể hiện thiện chí hợp tác giải quyết vấn đề của bản thân

Phản biện công tâm ✔️

Xét cho cùng, ai cũng muốn đóng góp để tổ chức của mình phát triển, thành công. Trước khi phản biện một ai đó, hãy tự hỏi:

  • Tại sao họ lại quyết định như vậy? Quyết định đó đã và đang mang đến kết quả gì?
  • Nếu việc họ làm chưa đem lại kết quả không như mong muốn, họ đã cố gắng hết sức hay chưa? Việc đó có bị ảnh hưởng bởi những yếu tổ bất khả kháng nào không?
  • Hiệu quả công việc có thể được đánh giá bằng những số liệu, thước đo nào? Những KPI/OKR được đề ra có phù hợp với tính chất công việc hay không?
  • Vẫn là ý tưởng đó nhưng nếu do một người khác (bạn thân của bạn chẳng hạn) đề xuất, liệu bạn có phản ứng khác không?

Ngược lại, nếu bạn cảm thấy người khác đang đánh giá mình một cách cảm tính và chưa công bằng, hãy thuyết phục họ bằng những chỉ số, dẫn chứng cụ thể. Bạn cũng có thể nhờ người khác đánh giá một cách khách quan lập trường hai bên, với điều kiện người được nhờ cậy hoàn toàn trung lập và được cả hai bên tin tưởng.

Và những việc không nên…

Công kích cá nhân ❌

Là con người, chúng ta luôn bị chi phối bởi cảm xúc. Sự khác biệt về giới tính, tính cách, tôn giáo, hay thậm chí là sở thích và gu ăn mặc… có thể khiến ta không thực sự yêu mến một người nào đó, nhưng tất cả những yếu tố này cần phải được loại bỏ khỏi cuộc tranh luận. Thông thường, công kích cá nhân là biểu hiện của sự tức giận và đuối lý. Thậm chí, đôi khi nó còn cho thấy tâm lý bất an và mặc cảm của chính người tấn công.

hay-la-mot-nguoi-cong-tu-phan-minh-va-khong-bao-gio-nen-cong-kich-ca-nhan-mot-ai-khac

Hãy là một người công tư phân minh và không bao giờ nên công kích cá nhân một ai khác

Vậy, xử trí ra sao nếu bạn là người bị công kích? “Bình tĩnh tạo nên sự quý tộc”, bạn không cần phải cãi nhau tay đôi với một người đã bị cảm xúc lấn át. Điều này không đồng nghĩa với việc ngồi im chịu trận, hãy lịch sự yêu cầu người có thẩm quyền can thiệp, hoặc từ chối trò chuyện nếu đối phương vẫn tiếp diễn.

Nói bóng, nói gió ❌

Chà, nói vu vơ vậy thôi trúng ai thì trúng… Việc tối kỵ khi tranh luận nơi công sở chính là những lời bóng gió đầy ẩn ý, làm mất thời gian của tất cả mọi người. Những câu nói như vậy có giúp mọi người hiểu rõ vấn đề hơn không? Không.

Trong khi nóng giận, việc bóng gió, mỉa mai có thể đem lại cảm giác thỏa mãn nhất thời nhưng cái giá phải trả sẽ là sự tổn thương lâu dài tới mối quan hệ đồng nghiệp. Thay vào đó, cách giao tiếp gãy gọn, đi thẳng vào trọng tâm vấn đề cho thấy sự chuyên nghiệp và chắn hẳn sẽ được tôn trọng hơn nhiều. Đừng để xung đột công sở trở thành hiềm khích cá nhân khó gỡ bỏ.

>> Xem thêm: 6 Bí kíp giải quyết mâu thuẫn trong công việc bạn cần biết

cong-viec-la-cong-viec-dung-tam-chuyen-dung-bong-gio

Công việc là công việc, đừng “tám chuyện”, đừng bóng gió

Tạm kết

Đọc đến đây, có thể bạn sẽ cảm thấy may mắn vì chưa từng rơi vào một cuộc xung đột công sở bế tắc, nhưng cũng có thể bạn sẽ bàng hoàng nhận ra mình đã ở trong một môi trường độc hại suốt bao lâu nay. Tìm cách thay đổi và góp phần hóa giải môi trường tiêu cực, hay tìm kiếm một môi trường mới lành mạnh hơn – tùy thuộc vào tính cách, ưu tiên, và năng lực-quyền hạn của mỗi người, hãy đưa ra quyết định phù hợp nhất cho riêng mình.

>> Xem thêm: Fun-tích: Ai nói nhảy việc không tốt?

The JobHopin Team