Mẹo HR: Những chủ đề “khó nói” thường gặp trong tuyển dụng

Khi mà Covid-19 ập đến và các công ty buộc phải chuyển sang hình thức tuyển dụng hoàn toàn online, không ít nhà tuyển dụng đã bắt gặp những tình huống giao tiếp “sượng trân” khi phỏng vấn ứng viên tiềm năng. 

Những câu trả lời “khó đỡ”

Một quản lý nhân sự chia sẻ: “, Tôi từng phỏng vấn một ứng viên cho vị trí bán lẻ và để ý rằng hồ sơ của anh ấy có một khoảng trống trong kinh nghiệm làm việc. Theo lẽ thường tình, tôi hỏi trong thời gian ấy anh đã làm gì, và ảnh trả lời rằng lúc ấy đang ở tù. Lúc đó, tôi không biết nói gì hơn ngoài ba chữ, ‘ồ thế à’, rồi tiếp tục hỏi những câu thông thường khác”. Chậc, biết làm thế nào giờ?

Trong tình huống đó, bạn sẽ làm gì? Thay vì vội vàng trả lời một cách thiếu tinh tế như tình huống bên trên, hãy chậm lại một nhịp và xem xét liệu điều đó có cản trở công việc mà anh ấy đang ứng tuyển hay không. Nếu câu trả lời là có, như trong trường hợp này, hãy trả lời một cách lịch sự rằng tính chất công việc này cần người có lý lịch trong sạch và đưa ra những đề xuất công việc khác phù hợp với hồ sơ của ứng viên hơn. 

Lương bổng và đãi ngộ

Đa số các cuộc phỏng vấn đều có xu hướng trầm xuống khi đề cập đến việc lương thưởng và đãi ngộ, đặc biệt là khi công ty đó có xu hướng trả thấp hơn mức trung bình trên thị trường. Nhà tuyển dụng thường gặp khó khăn khi tìm thời điểm phù hợp nói về vấn đề này, và ứng viên thường sẽ băn khoăn rằng liệu hỏi về mức lương có phải là quyết định sáng suốt không. 

Để tiết kiệm thời gian, hãy chủ động đưa ra vấn đề tiền bạc, đặc biệt khi phỏng vấn một ứng viên sáng giá. Bạn có thể bắt đầu chủ đề bằng câu hỏi “Bạn mong muốn mức lương như thế nào?”. Nếu như con số ứng viên đưa ra nhỉnh hơn ngân sách, bạn có thể đề xuất những phúc lợi bổ sung cũng như lương tháng 13. Nếu như kỳ vọng của người đó quá cao, thẳng thắn chia sẻ rằng mình không thể đáp ứng được, và liệu họ có thể linh hoạt thay đổi kỳ vọng đó không. Nếu câu trả lời là không, hãy cảm ơn họ và kết thúc buổi phỏng vấn. 

Chính sách trong thời kỳ bệnh dịch 

Covid-19 là chủ đề tiếp theo gây khó dễ cho các cuộc phỏng vấn tuyển dụng. Các ứng viên rất quan tâm đến tình hình diễn biến bệnh dịch, và họ cần được biết về chính sách tiêm vaccine cũng như trở lại văn phòng khi dịch ổn định. Hãy phối hợp và cập nhật với phòng Nhân sự về các điều khoản này một cách chỉn chu nhất và cung cấp cho ứng viên đầy đủ thông tin về quy định công ty cũng như chính sách đi làm. 

Bạn cũng có thể nói về quy tắc 5K trong văn phòng, đi làm mang khẩu trang đầy đủ, kế hoạch tiêm phòng, v.v Cuối cùng, chốt hạ chủ đề bằng câu hỏi “Liệu bạn có cảm thấy hài lòng với những điều khoản này không?”. 

Onboard không ngượng ngùng

Khi chào mừng “ma mới” gia nhập công ty, nhiều lúc sẽ có sơ suất xảy ra, đơn cử như việc quên chỉ cho họ vị trí phòng vệ sinh. Để đảm bảo việc onboard được diễn ra suôn mượt nhất, hãy lập một danh sách những điều cần thiết khi hướng dẫn một nhân viên mới. 


Một tình huống khác có thể xảy ra lúc onboard là khi nhân viên mới nhận ra công việc thực tế của họ khác xa so với lúc phỏng vấn. Hay người quản lý muộn màng nhận ra rằng ứng viên mới thực ra không phù hợp với vị trí. Đối với tình huống này, khi một bên cảm thấy bản thân bị “lạc lối” thì rất có khả năng bên còn lại cũng cảm thấy tương tự. Hãy thẳng thắn trò chuyện với nhau, nói ra nhận định của bản thân, và tạo cho nhau một đường lui nếu công việc thực sự không phù hợp. 

Đời sống văn phòng, ai cũng có thể gặp những “điều khó nói” trên. Thế nên, nếu như người quản lý có thể gỡ rối cuộc trò chuyện, thì ứng viên có thể trải qua một quá trình phỏng vấn êm mượt, rồi cuối cùng hạ cánh vào công ty thành công.

Đọc thêm: Đam mê có nên là yếu tố cần trong tuyển dụng?

Phỏng dịch từ workable.com

The JobHopin Team