Vì sao bạn không nên tuyển ứng viên vì đam mê?

Bạn có niềm đam mê với lĩnh vực này? Hoàn thành trách nhiệm trong công việc khiến bạn cảm thấy hạnh phúc và thành công hơn? Những xu hướng mới nhất trong ngành đều nằm trong tầm tay bạn. Nếu có, chúng tôi rất muốn được gặp bạn. Tham gia vào đội ngũ năng động của chúng tôi, với đội ngũ đầy nhiệt huyết và năng động, sáng tạo. Ứng tuyển ngay hôm nay! 

Mô tả công việc tương tự ở trên xuất hiện rất nhiều ở các trang tìm việc làm. Suy nghĩ đầu tiên khi đọc, có thể thấy đam mê là điều kiện tiên quyết để trở nên thành công trong công việc. Những mô tả này thường đòi hỏi ứng viên phải là người vô cùng nhiệt huyết, có khả năng cống hiến hết sức mình. Vậy, liệu có hay không một ứng viên làm vì đam mê?  

Thành thực mà nói, hầu hết chúng ta đều cần tiền để trang trải cuộc sống. Đam mê dù sao đi nữa chỉ là điểm cộng, không phải điều kiện cần có ở mọi công việc. 

Đam mê chỉ nên là điểm cộng khi tuyển dụng

Nếu bạn có sở thích nhiếp ảnh hoặc chơi nhạc cụ, bạn sẽ phân biệt được rằng yêu thích một thứ gì đó và giỏi làm nó là hai thứ hoàn toàn khác nhau. Đam mê nên được tách bạch khỏi công việc. Đối với một vài người, sở thích là thứ họ sẽ tìm đến sau một ngày làm việc dài. Đối với một vài người khác, họ chọn công việc hiện tại không phải vì đam mê, mà vì họ thấy mình có khả năng làm tốt chúng. Do đó, nhà tuyển dụng không nên đi tìm một nhân viên có đam mê với công việc. Hãy tìm những người chấp nhận làm việc đó vì họ có khả năng và chuyên môn. 

Thậm chí, có nhiều loại đam mê còn không tồn tại. Tìm đâu ra một người đam mê “tìm hiểu về pain point của khách hàng”? Nếu cứ tuyển dụng những người có đam mê, công ty sẽ khó mà tìm được người phù hợp. Thay vào đó, hãy tập trung vào tuyển dụng dựa trên chuyên môn công việc và kỹ năng thực sự của họ.  

>>> Xem thêm: Mẹo nhìn thấu ứng viên giỏi “biến hóa” trong phòng phỏng vấn

Tiền bạc chỉ làm đam mê giảm sút

Được trả tiền để thực hiện đam mê chỉ làm tình yêu của bạn với công việc đó giảm sút. Đây là một hiện tượng tâm lý được gọi là ‘hiệu ứng thái quá’ – khi một động lực bên ngoài (như tiền bạc) làm giảm ham muốn nội tại của bạn (hoặc niềm đam mê) để làm điều gì đó. 

Giải thích dễ hiểu hơn bằng một câu chuyện nhỏ: Có một ông lão thường xuyên mất ngủ vì tiếng ồn mà trẻ con trong xóm gây ra mỗi khi chúng chơi đá banh. Ông bèn nghĩ ra một kế, mời chúng đến chơi thường xuyên và mỗi lần chơi sẽ được trả 50 cents. Ngày thứ nhất trôi qua, bọn trẻ nhận được 50 cents như thỏa thuận. Ngày thứ 2, ông lão giảm số tiền xuống còn 20 cents. Cứ như thế ngày qua ngày, nhưng những lần sau số tiền bị giảm xuống còn mỗi 5 cents. Thế là đám trẻ không còn đến nữa. Bắt đầu bằng đam mê, nhưng vì tác động bên ngoài, khiến lũ trẻ giảm hẳn thú vui đá bóng mỗi ngày. 

Tiền bạc chỉ là ví dụ nhỏ, thực tế mọi tác động bên ngoài đều có thể xáo trộn nội tâm của bạn. 

>>> Xem thêm: Ứng viên tìm việc đâu chỉ vì tiền lương

Nếu không tuyển ứng viên vì đam mê, nhà tuyển dụng phải làm gì?

Cách dễ nhất để tránh những câu trả lời sáo rỗng khi phỏng vấn là đừng yêu cầu ứng viên thể hiện đam mê của họ. Bạn biết đó, hầu hết họ sẽ trả lời câu hỏi đúng, chứ không phải là những câu trả lời trung thực nhất. 

Tuyển dụng lý trí hơn sẽ giúp bạn: 

  • Tiết kiệm rất nhiều thời gian
  • Hạn chế những câu trả lời “đúng” nhưng thiếu trung thực

Hãy hiểu rằng, nhân viên giỏi không nhất thiết phải đam mê công việc của họ. Nắm được điều này, suy nghĩ của bạn sẽ trở nên thực tế hơn. Hầu hết chúng ta không đi làm vì kỳ vọng rằng nó sẽ thực hiện đam mê cháy bỏng của mình. Rất nhiều người trong chúng ta thậm chí không biết mình đam mê điều gì và cảm thấy mệt mỏi khi phải giả vờ như vậy. Chấp nhận điều đó và yêu cầu ứng viên những phẩm chất khác nhau liên quan đến công việc như tính kiên nhẫn, hòa đồng, khéo léo và khả năng làm việc với người khác sẽ giúp bạn tìm được nhân viên làm tốt công việc của họ, ngay cả khi họ không quá cuồng nhiệt với công việc.

JobHopin Team

Phỏng dịch Workable