Tuyển dụng và giữ chân nhân tài giữa cơn bão “nhảy việc”

Hàng loạt các doanh nghiệp trên khắp thế giới đang đau đầu với sự nghỉ việc ồ ạt của nhân viên sau một khoảng thời gian đình trệ vì COVID. Làm thế nào vừa giữ chân những người xuất sắc nhất, vừa thu hút được những tài năng mới? Để làm được điều này, bạn cần có những chiến lược tuyển dụng, đãi ngộ phù hợp. 

Vấn đề tuyển người mới – giữ người cũ luôn đi đôi với nhau. Nếu bạn không giữ chân được người tài, bạn sẽ phải đối mặt với gánh nặng lấp đầy khoảng trống mà họ để lại. Ngược lại, nếu quy trình tuyển dụng thực sự đúng người, đúng việc, bạn sẽ không cần quá lo lắng về việc họ sớm tìm kiếm cơ hội mới.

Bài viết liên quan:

Dưới đây là năm chiến lược sẽ giúp bạn giải quyết bài toán này!

Tuyển dụng vì tiềm năng thay vì kinh nghiệm

“Bạn phải có bằng đại học và ít nhất năm năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này.” Ta thường xuyên bắt gặp những yêu cầu tương tự trong các bản tin tuyển dụng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng đối với nhiều công việc, nhân viên vẫn sẽ cần học thêm khoảng 10 kỹ năng mới trong vòng 18 tháng.

Nói cách khác, ngay cả khi nhân sự mới của bạn đáp ứng tất cả các yêu cầu công việc hiện nay, điều đó vẫn là chưa đủ và kỹ năng của họ có thể trở nên lỗi thời chỉ trong một thời gian ngắn. Thay vào đó, hãy ưu tiên tuyển dụng những người có nền tảng tốt, khả năng đáp ứng linh hoạt và tinh thần ham học hỏi.

Tương tự, các công ty thường khá dè dặt khi bổ nhiệm, thăng chức cho nhân viên cũ. Họ có xu hướng muốn tuyển người mới cho những vị trí cấp cao, những người được “đo ni đóng giày” cho vị trí đó. Tuy nhiên, thực tế là công việc luôn luôn thay đổi. Hãy giữ chân nhân viên bằng cách tạo cơ hội cho họ thăng tiến và phát triển.

Sử dụng chi phí tuyển dụng một cách hợp lý

Peter Capelli, giáo sư Quản lý tại Trường Kinh doanh Wharton chỉ ra rằng có tới 40% công ty sử dụng dịch vụ của các nhà tuyển dụng chuyên nghiệp. Những người này có thể đến từ bất kỳ đâu trên thế giới, công việc chính của họ là xem và lọc CV của hàng loạt ứng viên.

Những nhà tuyển dụng chuyên nghiệp thường cố gắng tìm kiếm ứng viên chất lượng cao và thuyết phục họ đồng ý nhận một mức lương thấp. Tiền hoa hồng của họ được trích ra từ chính chi phí trả lương tiết kiệm được cho công ty. 

Thoạt đầu, nhiều công ty tưởng rằng đây là cách tiết kiệm chi phí đáng kể. Thế nhưng, trong thị trường lao động với tỷ lệ nghỉ việc cao như hiện nay, việc cắt giảm $5000 trong năm nay có thể khiến bạn phải trả giá gấp 10 lần trong năm sau. 

Hãy đầu tư tìm kiếm những ứng viên thực sự phù hợp với công ty của bạn, những người có khả năng gắn bó lâu dài.

Giữ chân nhân tài là cả một nghệ thuật

Đánh giá kết quả và cải thiện quy trình

Mặc dù đây dường như không phải là một kỹ thuật tuyển dụng hay giữ chân nhân viên, việc đánh giá kết quả tuyển dụng/giữ chân nhân viên là rất cần thiết. Tuy vậy, rất ít công ty dành thời gian làm việc này một cách chi tiết.

Bạn sẽ không thể cải thiện chiến lược tuyển dụng cũng như chính sách nhân sự nếu bạn không biết được chính xác điều gì hiệu quả và điều gì không. Bạn cần nắm được những dữ liệu, thông số cụ thể.

Để mắt đến những đối thủ xung quanh

Dù cho năm ngoái bạn đã tuyển được nhiều nhân viên tài năng với một mức lương khá cao so với thị trường, điều này không có nghĩa năm nay bạn không phải thay đổi.

Năm 2021, tình trạng thiếu hụt nhân lực xảy ra ở khắp mọi nơi khiến cho mức lương trung bình tăng lên đáng kể. Để thu hút được những người giỏi nhất, bạn sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với nhiều doanh nghiệp khác thuộc mọi ngành nghề, lĩnh vực.

Không chỉ là vấn đề tiền lương, xu hướng chung là mọi người đang tìm kiếm sự linh hoạt. Cho dù đó là làm việc tại nhà hay áp dụng giờ làm việc linh động, các doanh nghiệp khác mang đến nhiều sự lựa chọn hơn cho nhân viên. Nếu bạn muốn giữ nhân viên của mình và tuyển dụng những người mới, bạn sẽ phải có những chiến lược tuyển dụng và chính sách đãi ngộ thực sự hấp dẫn.

>> Xem thêm: Đàm phán lương với ứng viên – 4 cách giúp bạn ra giá hợp lý

Khảo sát ý kiến của nhân viên

Bạn có biết điều gì khiến nhân viên của mình hạnh phúc không? Bạn có biết điều gì khiến họ khó khăn không? Bạn chỉ có thể giữ chân nhân tài nếu bạn thấu hiểu họ.

Margaret Rogers, phó chủ tịch của Pariveda Solutions cho rằng mặc dù các công ty đầu tư vào việc đào tạo và phát triển nhân lực, họ thường làm vậy mà không hỏi ý kiến nhân viên.

Nhà lãnh đạo cần biết những nhu cầu, nguyện vọng của nhân viên. Hãy hỏi những câu hỏi như:

  • Khía cạnh nào trong công việc khiến bạn cảm thấy thú vị và bổ ích nhất?
  • Thách thức lớn nhất của bạn hiện tại?
  • Bạn đang làm gì để đạt được các mục tiêu nghề nghiệp ngắn hạn và dài hạn?
  • Có dự án, phòng ban hay công việc nào bạn muốn tham gia thêm không?
  • Có lĩnh vực nào khác mà bạn tò mò, muốn khám phá không?

Biết được câu trả lời cho những câu hỏi này sẽ giúp bạn điều chỉnh các chương trình đào tạo và phát triển để không chỉ mang lại lợi ích cho công ty mà còn mang lại lợi ích cho nhân viên của bạn, qua đó giữ chân nhân tài. Nhân viên sẽ chỉ ở lại và gắn bó lâu dài nếu họ thấy cơ hội phát triển, trau dồi một cách ý nghĩa.

Hãy suy nghĩ một cách nghiêm túc về chiến lược tuyển dụng, giữ chân nhân tài của bạn. Nếu không, các công ty khác sẽ cướp mất những người giỏi nhất từ tay bạn.

Phỏng dịch từ workable.com

The JobHopin Team