Hội chứng hang động hậu Covid-19 & nỗi sợ quay lại văn phòng

Đối với nhiều người, 30 Tết cũng không vui bằng 30 tháng 9 khi thành phố chính thức thông báo mở cửa. Không còn phải ngồi ru rú trong nhà và làm việc qua màn hình, giờ đây ta đã có thể bước ra đường và gặp mặt bạn bè, đồng nghiệp. Nhưng đối với một số người mắc hội chứng hang động, viễn cảnh tái hòa nhập cộng đồng không hề vui tẹo nào. 

Covid-19 không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực lên sức khỏe thể chất và tinh thần, mà nó còn làm trì trệ đời sống xã hội, khiến ta trầy trật tìm kiếm sự kết nối với mọi người xung quanh. 

Bài viết liên quan: Antiwork: Lười biếng tột độ hay xu hướng tương lai việc làm

“Tôi vẫn chưa sẵn sàng tái xuất”

Sau một thời gian dài giãn cách, Việt Nam ghi nhận gần một nửa số người lao động cảm thấy không thoải mái khi phải trở lại làm việc tại văn phòng. Kể cả khi họ đã tiêm đủ 2 mũi, việc bước chân ra xã hội là điều gì đó rất đáng sợ. Hiện tượng tâm lý này thật ra đã được dự đoán từ trước. Một nghiên cứu vào năm ngoái của Đại học British Columbia ước chừng rằng sẽ có khoảng 10% bộ phận dân số rơi vào trạng thái stress, rối loạn căng thẳng và sang chấn tâm lý hậu Covid-19. Vài chuyên gia cho rằng đây là một hình thái của hội chứng hang động, được hình thành bởi thay đổi trong thói quen, các mối quan hệ xã hội, và nhận thức về rủi ro. 

Đúng là không dễ để sống chung với giãn cách xã hội và làm việc từ xa, nhưng sau một thời gian làm quen, thì việc trở lại lối sống cũ và quay lại văn phòng còn khó hơn rất nhiều. Có rất nhiều nguyên nhân khiến con người trở nên tách biệt với xã hội hậu giãn cách – đó có thể là nỗi sợ bị lây nhiễm, hay là họ không muốn từ bỏ những thói quen mà họ đã xây dựng trong thời gian vừa qua. “Làm việc từ xa giúp tôi có thời gian và không gian dành riêng cho bản thân, tìm cách cân bằng work-home, cũng như có thời gian “lượm nhặt” thêm những kỹ năng mới. Quay trở lại văn phòng, tôi lại phải ra khỏi nhà vào 9 giờ sáng và tới khuya muộn mới về. Vừa tốn chi phí đi lại, vừa khó chăm sóc bản thân hơn”.  

>>> Đọc thêm: Thế hệ của những nỗi lo: Này người lạ ơi, bạn ổn chứ?

Chúng ta nên đối mặt với hội chứng hang động như thế nào? 

Mức độ ảnh hưởng của hội chứng hang động hay sang chấn tâm lý hậu Covid-19 sẽ khác nhau tùy mỗi người. Thế thì chúng ta có thể làm gì cho bản thân và đồng nghiệp nếu ta cảm thấy dần mất kết nối với nhau?

  1. Làm quen từ những hoạt động đơn giản nhất 

Đầu tiên, phải hiểu rằng, hội chứng hang động là có thật, và bình thường mới cũng là thật. Bạn không phải là người duy nhất đang cảm thấy cô độc hậu Covid-19, và bạn hoàn toàn có quyền cảm thấy như vậy. 

Hãy bắt đầu từ những hoạt động ngoài trời đơn giản, như một buổi đi dạo hay một cuộc hẹn gặp mặt nho nhỏ với bạn bè, đồng nghiệp. Lặp đi lặp lại vài lần và bạn có thể sẽ quen dần với cuộc sống bên ngoài. Và bạn cũng không cần phải ép buộc bản thân thích nghi thật nhanh. 

  1. Trò chuyện và chia sẻ với bạn bè, đồng nghiệp hoặc chuyên gia 

Hãy nói chuyện với gia đình, bạn bè hoặc đồng nghiệp, nhờ họ làm chỗ tựa trong khoản thời gian chuyển tiếp này. Ngoài ra, bạn có thể hẹn gặp bác sĩ hoặc chuyên gia để hiểu rõ hơn về tình trạng của mình, và liệu có những tác nhân nào khác đang ảnh hưởng bạn không. Đặt chân vào bình thường mới là cả một quá trình, không phải cuộc đua, và chắc chắn bạn sẽ cảm thấy tốt hơn rất nhiều nếu có người kề vai sát cánh. 

  1. Về việc trở lại văn phòng

Doanh nghiệp cần phải đối mặt với hội chứng hang động và “nỗi sợ quay lại văn phòng”, vì chắc chắn không phải nhân viên nào cũng sẽ gật đầu cái rụp khi nghe đề xuất lên công ty làm việc. Hãy hiểu rằng, nhân viên ai cũng ít nhiều sẽ có những nỗi lo hậu Covid-19, và sẽ thật tốt nếu như người quản lý dành thời gian để trao đổi, nắm bắt nhu cầu của mọi người trong tập thể. 

Nhiều công ty đã trở nên linh hoạt hơn trong chính sách làm việc, cho phép nhân viên của mình làm việc online hay offline tùy theo sở thích và nhu cầu. Một số nơi khác đã giảm giờ làm hành chính hay là thiết lập “tuần lễ tinh thần” định kỳ mỗi quý. Ngoài ra, hỗ trợ về mặt tinh thần cũng rất cần thiết để cho thấy rằng công ty thực sự quan tâm đến nhân viên của mình. 

>>> Đọc thêm: Lên kế hoạch cho bản thân: “Chìa khóa” định hướng sự nghiệp của bạn

Quay trở lại bình thường không hề dễ dàng như ta từng nghĩ. Có khi ai đó xung quanh ta đang gặp phải “Hội chứng hang động”, loay hoay tìm cách kết nối với thế giới. Hãy lắng nghe, thấu hiểu, và chia sẻ với nhau, và mọi chuyện chắc chắn sẽ ổn thôi. 

The JobHopin Team