cách làm việc hiệu quả

Bạn có bao giờ ước ao được sếp thấu hiểu nỗi lòng, nhưng vì nhiều lý do mà vẫn chưa thổ lộ tâm tình? Để rồi, sự căng thẳng dồn nén khiến mối quan hệ đôi bên không còn như là mơ, thậm chí gây nhiều trở ngại, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc.

Julia Rock, Giám đốc Điều hành Rock Career Development chia sẻ: “Giao tiếp, ứng xử hiệu quả là điều cần thiết để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp. Chúng ta thường cảm thấy thất vọng khi sếp không phản hồi ngay lập tức, hoặc đặt ra kỳ vọng công việc không hợp lý. Tuy nhiên, giao tiếp cũng là con đường hai chiều, nơi mà cả chúng ta và các bậc lãnh đạo cần phải đồng lòng bỏ công sức.”

Ví dụ, nếu quản lý không hiểu rõ phong cách làm việc của bạn (tự chủ hay cần được thúc đẩy), bạn có thể cảm thấy ngộp thở hoặc bị bỏ rơi là chuyện thường tình.

“Quản lý có trách nhiệm đặt ra kỳ vọng công việc và mong đợi bạn hoàn thành tốt, nhưng bạn hoàn toàn có thể chia sẻ với họ khi khó khăn ập đến, hoặc những gì bạn cần để làm việc hiệu quả hơn” – Julia Rock nói thêm.

Phong cách làm việc

Cô Olga Mykhoparkina, Giám đốc Marketing tại Chanty, tâm sự rằng, “Khi vừa mới bắt đầu, tôi ước gì sếp hiểu được cách làm việc của mình. Động lực để tôi hoàn thành phần việc được giao không chỉ là khung giờ quy định. Tôi thà nhận một danh sách các việc cần làm trong ngày hơn là ép mình vào khuôn khổ từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều cứng nhắc.”

Cô Olga Mykhoparkina tiếp tục: “Nếu tôi thành lập công ty của riêng mình, tôi chắc chắn sẽ xây dựng mô hình làm từ xa với giờ làm việc linh hoạt. Tuy nhiên, tôi hiểu rằng kiểu làm việc này khó mà áp dụng với tất cả mọi người và tất cả các công ty.”

Shayne Sherman, Giám đốc Điều hành TechLoris, cũng đồng cảm.

“Tất cả chúng ta đều có những phương thức khác nhau để tăng hiệu suất công việc hiệu quả. Tôi cho rằng những hạn định mà phần lớn công ty đặt ra sẽ ngăn cản nhân viên thực sự phát huy năng lực của mình.”

Anh cho rằng vấn đề nằm ở việc không có một thang đo hiệu suất duy nhất nào hiệu quả với tất cả, vì mọi người thường sẽ có phong cách làm việc khác biệt. 

cách làm việc hiệu quả

Tôi là người hướng nội

Nhân viên máy tính David Pipp, chủ nhân blog tài chính cá nhân LivingLowKey.com, chia sẻ:

“Mặc cho tôi có giám sát một đội nhóm 50 nhân viên, thường xuyên phải thuyết trình trước đám đông, và tham dự các cuộc họp cùng lãnh đạo cấp cao, tôi vẫn là một người hướng nội. Tôi hao tổn rất nhiều năng lượng cho các hoạt động hướng ngoại mà bản thân thực sự không thích.”

Tuy vậy, nói ra bí mật này cũng cho phép anh nhẹ nhõm, tự do khám phá tiềm năng phát triển sự nghiệp, học cách làm việc hiệu quả, và hiện thực hóa các dự định cá nhân.

“Tôi có thể cân bằng khả năng hướng ngoại – hướng nội khá tốt”, Pipp chắc nịch.

Nguyện vọng lâu dài của tôi

Đối với Jeff Skipper hiện đang công tác tại IBM, nguyện vọng lâu dài là điều mà anh những mong các sếp mình chú ý. Anh thổ lộ: “Họ thì không hỏi đúng vấn đề, tôi lại ngại lên tiếng. Nhìn chung thì cũng là lỗi của mình thôi.” 

Chính vì thế, Skipper mong muốn có thể tìm thấy ở các bậc lãnh đạo một người cố vấn giúp anh khai phá tiềm năng và vươn xa hơn trong sự nghiệp. Giờ đây khi đã là một người sếp, anh tập trung nhiều vào việc làm rõ nguyện vọng và khuyến khích nhân viên chia sẻ nhiều hơn.

Ciara Hautau, chuyên gia tư vấn chiến lược Digital Marketing hàng đầu tại Fueled, cũng mong muốn các sếp của cô ấy biết mục tiêu tương lai cả về sự nghiệp lẫn cuộc sống: “Khi tôi bắt đầu làm việc cho công ty hiện tại của mình, tôi đã rất cố gắng tạo ra những ranh giới cá nhân – công việc rõ ràng, không để cho lãnh đạo biết mình là ai ngoài phạm vi công sở. Tôi nghĩ rằng để tìm cách làm việc hiệu quả, mình cần phải tỏ ra cứng cỏi và dạn dĩ. Thật sự rất mong muốn để lại ấn tượng tốt đẹp, nhưng đồng thời tôi cũng không chắc mình phải làm sao.”

Tuy vậy, nhiều năm sau khi đã ở nấc thang cao hơn của sự nghiệp, cô mới mở lòng.

“Mối quan hệ với người quản lý của tôi trở nên bền chặt hơn rất nhiều khi không còn câu nệ đâu là công việc, đâu là thú vui cuộc sống nữa.”

Tôi phải đối mặt với khủng hoảng tinh thần

Nicole, một chuyên gia kiệm lời về chức danh hiện tại, chia sẻ về thời gian cô làm giám đốc bộ phận của một công ty quan hệ công chúng khi anh trai cô được chẩn đoán mắc một dạng ung thư không thể chữa khỏi.

Cô tâm sự, “Giây phút đó làm tan nát trái tim tôi. Tôi gần như đã sụp đổ khi đang đi bộ về, mà tôi cũng không hiểu được chuyện gì đang xảy ra với mình. Tôi trở nên thất thường, cáu kỉnh và lo lắng hơn. Có lẽ chẳng ích gì khi xung quanh tôi là những nhân viên trẻ tuổi, chẳng hiểu được nỗi đau mà tôi đang trải qua.” 

Việc gì đến cũng đến, Nicole bị sa thải ít lâu sau với lý do “không ai thích cộng tác với cô nữa.” Tuy vậy, cô cũng cho hay: “Tôi ước gì chuyện đó được xử lý tinh tế hơn một chút. Mọi người trong công ty đối đãi với trầm cảm như thể nó là bệnh truyền nhiễm. Tôi nghĩ khi một nhân viên lâu năm thay đổi quá nhiều, giống như tôi, thì mọi người nên thể hiện lòng trắc ẩn hơn thay vì buông tay với họ.”

Tôi không muốn tổ chức sự kiện nữa

Rachel Davidson, người sáng lập Houston Party Ride, từng là thành viên của một nhóm 18 người tại một công ty doanh nghiệp. Trong thời gian làm việc tại đây, cô liên tục được chọn để tổ chức các hoạt động nhóm và các sự kiện tập thể.

“Điều mà tôi vô cùng mong muốn người quản lý của mình biết được là dù rất thích hòa nhập cùng mọi người, tôi dần phát ngán khi luôn phải đứng ra tổ chức hoạt động. Trước đây tình nguyện nhận việc không ai muốn không có nghĩa là tôi sẽ tiếp tục vui vẻ gánh vác trong tương lai.”

Rachel ước mong rằng chỉ một lần thôi, cô ấy được làm người tham gia thay vì “chủ xị” cuộc chơi.

“Tôi luôn cảm thấy rằng mình đã bỏ lỡ tinh thần đồng đội khi phải đảm nhận việc tổ chức quá nhiều thứ, cảm giác như người ngoài các hoạt động vậy”, cô nói.

cách làm việc hiệu quả

Ước gì sếp hiểu về căn bệnh của tôi

Olivia Sod, một chuyên gia về lối sống và sự nghiệp cho thế hệ trẻ, người điều hành trang web TheDIYFeminist.com chia sẻ:

“Tôi ước gì sếp biết về căn bệnh của tôi, chứng rối loạn tiền kinh nguyệt”, cô tâm tình, “Sống chung với nó sẽ là: 10 ngày trước kỳ kinh, tôi trở thành một con người khác. Làm sao tôi có cách làm việc hiệu quả khi cạn kiệt năng lượng, cảm thấy chán nản và lo lắng, và sẽ bật khóc thất thường chứ?”

Mặc dù cố gắng hết sức để kiểm soát các triệu chứng, chúng không thể nào biến mất hoàn toàn. Kết quả là, Sod không thể đi làm vào nhiều ngày nhất định.

“Thay vào đó, tôi sẽ gửi một email về một lý do ngã bệnh do cảm cúm thường gặp,” cô nói.

Tương tự, người có bút danh Dana chia sẻ rằng chứng ADHD (Rối loạn tăng động, giảm chú ý) của cô không phải là một cái cớ, cũng không khiến cô ấy trở thành một nhân viên tồi. Mặc dù vậy, Dana vẫn làm việc chăm chỉ, chỉ là hơi nhiệt tình và háo hức thái quá. Đôi khi sự háo hức đó dẫn đến những sai lầm nhỏ – nhưng dễ sửa chữa, cô bộc bạch.

Ước gì sếp nói “cảm ơn” nhiều hơn

“Tôi ước gì sếp tôi bớt kiệm lời nói “cảm ơn” và “làm tốt lắm!”, thay vì chỉ để ý đến những sai lầm của tôi. Đó là cách để giúp tôi làm việc hiệu quả”, một nhân viên giấu tên chia sẻ. 

Adrienne Redelings, một bà mẹ ba con đang là luật sư của một công ty luật bận rộn, cũng mong muốn cô ấy sẽ nhận được sự củng cố tích cực hơn từ sếp của mình.

Cô chia sẻ, “Tôi ước rằng sếp biết được tôi tận tâm như thế nào đối với doanh nghiệp mà ông làm chủ. Tôi cố gắng làm hết sức mình cả khi bận rộn – thường đến sớm, bỏ bữa trưa và thức khuya để theo kịp yêu cầu của công việc. Tôi thậm chí đã hy sinh thời gian dành cho gia đình để xử lý email vào tối muộn.”

Mặc dù nhận thức và hoàn toàn hiểu tính chất quản trị nhân viên, Redelings cho rằng có phần không công bằng khi sếp của cô “bận rộn” đi chơi gôn, ăn trưa thịnh soạn cùng đồng nghiệp, và vẫn xét nét công việc của cô.  

Cô Redelings nói: “Ông ấy có quyền giải trí, nhưng tôi cũng có cuộc sống của riêng mình. Thay vào đó, tôi nghĩ rằng các sếp cũng nên dành thời gian để đánh giá khối lượng công việc, tìm hiểu xem nhân viên có đang làm việc hiệu quả không, và tạo cơ hội phát triển. Một chút lời cảm ơn và đồng cảm sẽ càng giúp nhân viên gắn bó hơn với doanh nghiệp về lâu dài.”

Có lời ước ao nào chạm đến “tim đen” của bạn? Nếu trông chờ những thay đổi tích cực ở môi trường làm việc hiện tại, đừng ngần ngại sẻ chia. Sếp càng rõ về bạn, cách thức làm việc ngày càng hiệu quả, mối quan hệ bền chặt nơi công sở sẽ là bệ phóng giúp bạn vươn xa hơn. Hãy tận dụng cơ hội!

Nguồn: Phỏng dịch theo Natalia Lusinski  – Insider

JobHopin Team