5 bài học lãnh đạo rút ra từ bê bối “khổng lồ” giữa Ghosn và Nissan

Tháng 11 năm 2018, vụ bắt giữ ông Carlos Ghosn – CEO của Nissan – gây rúng động không chỉ ngành công nghiệp xe hơi mà cả thế giới đều chăm chú theo dõi diễn biến của vụ việc. Từng là một người hùng khi đưa Nissan thoát khỏi bờ vực phá sản vào năm 1999, sau đó dẫn dắt công ty trở lại với vị thế hàng đầu, Ghosn có thể xem là một “ngôi sao sáng” trong ngành. 

Để dễ hình dung, sau hơn 20 năm kể từ lúc ông tiếp quản tập đoàn, Nissan trở thành nhà sản xuất ô tô lớn nhất khu vực Bắc Mỹ, đón đầu công nghệ và nắm vị trí số 1 về sản xuất xe chạy bằng điện, nằm trong top 10 công ty xe hơi lớn nhất thế giới. 

Thật khó tưởng tượng khi chỉ hơn 2 thập kỷ trước đây, nhiều công ty nói rằng họ thà bỏ hàng triệu đô vào rương rồi thả xuống Thái Bình Dương còn hơn là đầu tư để cứu “con tàu đắm” Nissan – như lời ông Alfonso Albaisa, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách thiết kế toàn cầu của tập đoàn chia sẻ.

Đặc biệt hơn khi Ghosn đạt được những thành tựu đó tại một tập đoàn Nhật Bản, nơi không có nhiều vị CEO là người nước ngoài. Ở Nhật, thậm chí từng có một bộ truyện tranh về cuộc đời ông được xuất bản vào năm 2002, năm mà ông được Fortune bầu chọn là Doanh nhân châu Á của năm. Với vị thế như vậy, việc ông bị bắt với các cáo buộc gian lận tài chính, sử dụng danh nghĩa công ty để làm giàu cho bản thân và gian lận thuế, thực sự là một sự sụp đổ hình tượng ghê gớm đối với công chúng.

Hình ảnh Ghosn trong bộ truyện tranh về ông

Tạm gác lại việc các cáo buộc ấy có đúng hay không (Ghosn phủ nhận mọi cáo buộc và đã trốn thoát tới Lebanon trong thời gian chờ xét xử), sau đây là một vài bài học mà các nhà lãnh đạo có thể rút ra từ vụ việc này:

Không có đặc quyền dành cho lãnh đạo

Không quan trọng bạn đã đóng góp to lớn như thế nào đối với doanh nghiệp, bạn không có quyền lợi gì nhiều hơn những thứ công ty trao cho bạn. Các nhà lãnh đạo cần phải nhận thức rõ ràng các quyền lợi mà mình được hưởng, tránh tình trạng “say quyền lực”.

Kiểm soát các thôi thúc cá nhân

Khi ngồi ở vị trí có quyền lực cao, một số người sẽ có xu hướng đưa ra những quyết định mang tính “bốc đồng”. Nhà lãnh đạo cần phải rạch ròi giữa sự lựa chọn tốt nhất cho công ty và sự lựa chọn tốt nhất cho bản thân.

Xem thêm: 4 phong cách lãnh đạo sau, bạn thuộc nhóm nào?

Đừng tạo thêm động lực cho các “đối thủ”

Có một số thông tin rằng việc khởi tố Ghosn bắt nguồn từ chính nội bộ Nissan. Ở Nhật, nơi mà yếu tố tập thể được đề cao hơn cá nhân, những yêu cầu đặc biệt về đãi ngộ của Ghosn có thể đã khiến nhiều người không hài lòng. Ở môi trường công sở, nhất là tại các vị trí cấp cao, sẽ không tránh khỏi việc mình có các “kẻ thù”. Điều quan trọng là không để những người này có thêm lý do để “đấu” với mình.

 

“Tượng đài” không có nghĩa là không thể sụp đổ

Ngủ quên trên những thành tựu của bản thân, nghĩ rằng mình là “không thể động đến” là một điều tối kỵ với một người lãnh đạo. Một người sếp nên cố gắng gìn giữ “di sản” của mình hơn là thỏa mãn với nó.

Doanh nghiệp cần phải có chính sách quản trị để giám sát

Lãnh đạo cũng là con người và họ sẽ luôn có những sai lầm hay tham vọng mang tính con người. Nhiệm vụ của các doanh nghiệp là phải thiết lập được một cơ chế đủ tốt để có thể giám sát và phần nào ngăn ngừa những viễn cảnh xấu có thể xảy ra trong trường hợp lãnh đạo có những “sơ sót” mang tính vụ lợi cá nhân.

Hi vọng qua bài viết trên, người đọc có thể rút ra được cho mình những bài học lãnh đạo cho bản thân.

Xem thêm: Bạn có phải là một người sếp tốt?

JobHopin Team