nhay-viec-theo-sep-cu-co-tot-khong-jobhop

Bạn luôn thầm cảm thấy may mắn khi được làm việc với một người sếp tốt (giỏi chuyên môn, tính cách dễ chịu) nhưng bỗng một ngày đẹp trời, bạn được sếp tâm sự rằng họ sắp nhảy việc sang một công ty mới và điều quan trọng hơn là họ ngỏ ý muốn bạn theo cùng. Vậy có nên nhảy việc theo sếp cũ khi mà công việc hiện tại của bạn đang ổn định?


Trước khi quyết định đi hay ở, bạn hãy ghi ra giấy những điều dưới đây:

Nhảy việc theo sếp cũ, bạn được gì?

Làm việc dễ dàng vì cấp trên là sếp cũ

Quyết định “khăn gói” theo sếp cũ sang công ty mới nghĩa là bạn vẫn tiếp tục được làm việc với người mà bạn yêu thích và ngưỡng mộ, bạn cũng đã quen với phong cách làm việc của sếp cũ nên chẳng có gì quá khó khăn đối với bạn, đi làm mỗi ngày là một niềm vui.

nhay-viec-theo-sep-cu-co-nen-khong-jobhop

Được hậu thuẫn từ sếp

Đã có khoảng thời gian gắn bó ở công ty cũ, lại chiêu mộ bạn về cùng công ty thì hẳn là sếp cũng rất coi trọng bạn nên nếu bạn gặp bất cứ trở ngại nào thì họ cũng sẵn sàng hỗ trợ bạn. Để tìm được một nhân viên vừa có năng lực, vừa trung thành như bạn là chuyện không hề đơn giản, sếp nhất định sẽ có những chiến lược thông minh nhằm giúp bạn nâng cao chuyên môn, kỹ năng và giữ chân bạn ở lại.

Có cơ hội thăng tiến

Ở công ty cũ bạn chỉ là một nhân viên bình thường, không có cơ hội để thể hiện năng lực cũng như thăng tiến sự nghiệp nhưng nếu chuyển sang môi trường mới, rất có thể con đường công danh của bạn sẽ lên như diều gặp gió. Bạn có nhiều “đất diễn”, đóng góp được nhiều giá trị cho công ty và được công nhận một cách khách quan, công bằng.

Những điều khiến bạn cân nhắc khi nhảy việc theo sếp cũ

Cần thời gian thích nghi

Dù bạn có mối quan hệ thân tình với sếp thì trên thực tế, bạn vẫn cần thời gian để làm quen với những người đồng nghiệp mới, những quy định mới…, tóm lại là bạn vẫn phải trải qua khoảng thời gian thử việc như bao người khác. Và sẽ thật không may nếu bạn nhận ra sếp mình vẫn ổn, chỉ có điều văn hóa làm việc của công ty không như bạn mong chờ, đồng nghiệp cũng không thân thiện và cởi mở.

Tất cả những yếu tố này sẽ khiến tâm trạng của bạn chùn xuống, kể cả sếp của bạn có tốt như thế nào thì cũng khó lòng cứu vãn sự chán nản ngày một dâng cao trong tâm trí bạn.

nhay-viec-theo-sep-cu-jobhop

Sếp cũ có thể thay đổi

Đừng nghĩ rằng sếp cũ sẽ giữ nguyên thái độ và phong cách làm việc ở môi trường mới, rất có thể họ sẽ thay đổi theo chiều hướng mà bạn không bao giờ nghĩ tới. Chịu thử thách từ các cấp lãnh đạo, áp lực phải chứng minh năng lực đều là những nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi về tính cách.

Ví dụ: trước đây khi bạn mắc lỗi, họ ân cần chỉ ra lỗi sai và đưa ra phương hướng giải quyết giúp bạn nhưng hiện tại, họ liên tục tỏ ra cáu gắt và yêu cầu bạn tự mình xử lý vấn đề. Hoặc giả trước đây họ xem bạn như cánh tay đắc lực nhưng hiện tại, họ lại trọng dụng một người khác tài năng hơn bạn ở công ty mới và công việc mới, đó là lý do vì sao bạn ít được giao những nhiệm vụ quan trọng.

Xem xét các quyền lợi

Tất nhiên, cấp bậc vị trí và lương thưởng, phúc lợi là những điều mà bạn không nên bỏ qua. Hãy chỉ nghỉ việc và chuyển sang công ty mới khi bạn được làm ở vị trí tương đương (trong trường hợp bạn chưa đủ kinh nghiệm để đảm nhận vị trí cao hơn) và mức lương mới không thấp hơn mức lương cũ, các quyền lợi cơ bản cũng không bị ảnh hưởng.

Hãy cân nhắc thật kỹ trước khi đưa ra quyết định sau cùng, nhảy việc theo sếp cũ có nên hay không? Cuối cùng quyết định quan trọng nhất vẫn là ở bạn, bạn có thật sự thoải mái khi rời khỏi công ty, có thật sự tin tưởng người sếp hiện tại. Chúc bạn có một quyết định đúng đắn!

Theo Khoinghiep