Fun-tích: Điều gì đang chờ ta tại Metaverse?

Hậu Covid-19, ta có “bình thường mới”. Hậu Facebook, ta lại có Meta. Mới đây, Mark Zuckerberg đã một phen “gây bão” với thông báo tái định vị thương hiệu Tập đoàn Facebook thành Meta Platforms (tạm dịch: Hệ sinh thái Meta), đặt viên gạch đầu tiên cho sự phát triển của Metaverse. Những ngày sau đó, khái niệm này trở thành tâm điểm để thảo luận, bàn tán và phân tích. Quay đi ngoảnh lại, thế rốt cuộc Metaverse là gì? 

“Giải ngố” Metaverse

Rất khó để đưa ra một định nghĩa chính xác cho khái niệm “rộng lớn” vốn bao hàm rất nhiều chi tiết con này. Nổi lên từ cuốn tiểu thuyết Snow Crash của Neal Stephenson, Metaverse là sự kết hợp giữa thế giới vật lý (hay còn gọi là thế giới thực), môi trường thực tế ảo (Virtual Reality – VR), và thực tế tăng cường (Augmented Reality – AR). Tại Metaverse, con người có thể tương tác, trao đổi, mua bán, dạo chơi, và ti tỉ hoạt động khác. 

Thế thì “vũ trụ số hóa” này khác gì so với Internet hiện nay? Chúng ta có thể video chat với bạn bè, đặt mua hàng hóa, hay là ngắm nhìn phố phường qua màn hình đấy thôi? 

Thực tế, sự ngăn cách màn hình đó chính là điểm hạn chế mà Metaverse muốn phá bỏ. Được hỗ trợ bởi blockchain (Công nghệ chuỗi khối – Hỗ trợ truyền tải dữ liệu một cách an toàn, thông tin được lưu lại trên hệ thống mã hóa phức tạp, tương tự sổ cái kế toán của mỗi công ty. Dữ liệu một khi được ghi nhận trên blockchain sẽ không thể nào thay đổi) và NFT (Non-fungible token – Mã xác thực quyền sở hữu cho một tài sản số), người dùng có thể hiện hữu dưới dạng số trong một thế giới ảo thay vì chỉ đơn thuần thông qua con ảnh đại diện. Nói đơn giản, bạn có thể tồn tại trong chính vũ trụ số thay vì chỉ nhìn vào từ phía bên ngoài. Chính vì vậy, người ta ví von rằng Metaverse là “hình thái” nâng cấp, vượt trội hơn của Internet.  

Khoan, vậy tham vọng “hiện thực hóa” Metaverse nghe có vẻ “ảo ma Canada” thế? 

Nghe thì xa, nhưng thực ra lại gần 

Metaverse không phải là một khái niệm xa lạ gì, nhất là đối với những “ông lớn” tại thung lũng Silicon. Những trò chơi điện tử nổi tiếng như Roblox hay Fortnite vốn đã định vị bản thân là một phần của Metaverse. Chúng ta một lần trong đời cũng đã ít nhiều tiếp xúc với khái niệm này thông qua VRChat, Pokemon Go! hay là đêm nhạc trực tuyến của Fortnite. Những năm gần đây, chúng ta thêm một bước tiến gần hơn tới Metaverse thông qua NFT, tiền kỹ thuật số, các yếu tố nhỏ nhưng liên quan mật thiết đến ý tưởng “vũ trụ ảo” này. 

Dừng lại ở đó là chưa đủ, mục tiêu của các ông lớn công nghệ là phải hiện thực hóa được Metaverse. Từ Roblox, Fortnite, Microsoft hay Facebook, tất cả đều ôm tham vọng tạo nên được một nền tảng Metaverse của riêng mình. Những kẻ khổng lồ như Facebook hay Microsoft vốn đã ấp ủ sứ mệnh “kết nối mọi người trên toàn cầu với nhau”, và Metaverse chính là chìa khóa để đạt được điều đó. Nhiều doanh nghiệp khác cũng bắt tay vào nghiên cứu và thử nghiệm với hy vọng tạo nên “một cú đột phá” trong làng công nghệ. Dự đoán rằng, khi vũ trụ số này ra đời, nó sẽ có sự góp sức bởi rất nhiều ông lớn khác nhau. Giống như Internet, Metaverse sẽ “vô chủ”. 

>>> Xem thêm: Hãng công nghệ nào trả lương nhân viên kinh doanh cao nhất?

Liệu thế giới đã sẵn sàng gia nhập Metaverse? 

Covid-19 khiến con người phải hạn chế tương tác trực tiếp với nhau, thì Metaverse tựa như “lối thoát” để chúng ta có thể sinh hoạt và tận hưởng cuộc sống như trước. Thay vì họp online qua màn hình Zoom, ta có thể trò chuyện với một phiên bản “trực tuyến” của đồng nghiệp. Hay nếu bạn muốn đi chơi xa để giải “xì-trét”, thì chỉ với một cú click chuột, ngay trước mắt sẽ hiện ra viễn cảnh nước Pháp thơ mộng với tháp Eiffel trứ danh. Tất-tần-tật mọi hoạt động bị ngăn cản bởi khoảng cách địa lý, ta đều có thể làm được với Metaverse.

Là tự do bay nhảy trong thế giới số hóa, hay là chiêu trò truyền thông? Phản ứng của dư luận được chia làm hai cực: người hào hứng, kẻ hoài nghi. Hãy thử tưởng tượng viễn cảnh mỗi ngày của bạn đều diễn ra online hệt các bộ phim khoa học viễn tưởng, mới nghe thôi đã thấy khó tin rồi! Hay lúc đó mỗi người phải chăm lo cho hai cuộc đời khác nhau – ở đời thực và ở metaverse. Có rất nhiều phạm trù mà con người chưa thể lường trước được ở cuộc sống tại thế giới số hóa, và câu hỏi thực sự ở đây là, chúng ta có cần cuộc sống đó không?

Liệu người dùng có cùng gia nhập Metaverse khi nó ra đời? Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ.

Tạm kết  

Vẫn còn quá sớm để kết luận được Metaverse lợi-hại như thế nào bởi suy cho cùng, nó chỉ mới “chớm nở” trong vài năm gần đây. Thế nhưng chắc chắn “vũ trụ số” này đã và đang tiếp tục là tâm điểm của dư luận trong giai đoạn sắp tới. Cả thế giới đều đang chăm chú theo dõi chặng đường chinh phục Metaverse của các “gã khổng lồ” công nghệ. 

>>> Xem thêm: Tương lai của ngành công nghệ thông tin (IT) nằm ở 13 công việc này

JobHopin Team