Top 5 công việc đắt giá nghề khách sạn nhà hàng

Nhiều bạn trẻ chọn nghề khách sạn nhà hàng trong bối cảnh nước ta đã trên đà hội nhập, nhiều danh lam thắng cảnh của Việt Nam được bạn bè quốc tế biết tới. Vậy nghề này có gì hay và có những chuyên ngành nào, hãy cùng tìm hiểu nhé!


Khi mà nhu cầu nghỉ ngơi và tận hưởng cuộc sống ngày càng được quan tâm, chú trọng thì dĩ nhiên, nhu cầu nhân lực cho nhóm công việc thuộc ngành khách sạn – nhà hàng & du lịch sẽ tăng cao và luôn ổn định. Đó là lý do nhiều bạn trẻ lựa chọn theo nghề khách sạn. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết đâu là nhóm nghề “đắt giá” nhất hiện nay của ngành này?

Chỉ những ai dũng cảm mới chọn theo nghề khách sạn?

Nghề khách sạn có thể được coi là nghề đặc thù, bao gồm đa dạng các nhóm nghề chuyên môn từ cấp quản lý (yêu cầu năng lực và nghiệp vụ cao) cho đến cấp nhân viên (không bắt buộc sở hữu bằng cấp, thậm chí, một số công việc tuyển lao động phổ thông). Nhiều người vì thế mà không đánh giá cao những người lựa chọn nghề này.

nghe-khach-san-jobhop

Họ cho rằng, chỉ những ai không bằng cấp, học không ra gì hay tìm không được việc mới làm nghề khách sạn. Và rất nhiều phụ huynh mang tư tưởng lỗi thời này mà “cấm đoán” con mình theo học những ngành đào tạo có liên quan, chứ chưa nói đến là học nghề tại trung tâm hay học việc thực tế.

Mặt khác, tại Việt Nam, cho đến hiện tại, các trường dạy nghề dường như vẫn chưa được coi trọng. Điều này còn đúng đối với nhiều em học sinh ở giai đoạn lựa chọn hướng học vấn sau tốt nghiệp cho mình. Đây thường là lựa chọn thứ 2, thứ 3 hoặc thậm chí là lựa chọn bất đắc dĩ khi không còn hướng đi nào khác, vì rớt Đại học, không đủ xét nguyện vọng hay học Cao đẳng, học lực kém…

Nhiều người cho rằng, trường nghề là môi trường đào tạo thấp kém – công việc đầu ra là làm thuê – thu nhập thấp – không có cơ hội thăng tiến, trở thành “ông này bà kia”… Tuy nhiên, họ không biết rằng, với thời gian học ngắn, cơ hội thực hành nhiều, tiềm năng nghề nghiệp cao… việc chọn cho mình một nghề “đắt giá” tại các nhà hàng – khách sạn để theo học là bước đi nhanh – đúng – và thông minh nhất cho người dũng cảm và hiểu thời cuộc.

Như thế nào là một nghề “đắt giá” tại nhà hàng – khách sạn?

Đó là:

  • Nhu cầu tuyển dụng lớn và thường xuyên
  • Công việc ổn định với cơ hội thăng tiến và phát triển sự nghiệp cao
  • Mức lương hợp lý cùng chế độ đãi ngộ hấp dẫn…

Hiểu đúng tiềm năng nghề nghệp sẽ giúp bạn đưa ra sự lựa chọn thông minh và có định hướng tương lai phù hợp.

Một căn cứ làm tham khảo thuyết phục nữa là trên Hoteljob.vn – website việc làm chuyên ngành khách sạn – nhà hàng & du lịch số 1 Việt Nam, hàng nghìn tin tuyển dụng việc làm cho nhiều vị trí công việc, trong đó, có những ngành nghề có nhu cầu tìm người rất cao.
Đâu là nghề “đắt giá” tại nhà hàng – khách sạn?

Top 5 nghề được điểm mặt gọi tên sau đây được cho là “đắt giá” tại nhà hàng – khách sạn vì thỏa mãn gần như đầy đủ các tiêu chí đánh giá xếp loại như trên.

#1. Đầu bếp chuyên nghiệp

Đầu bếp được đánh giá là nghề không bao giờ lỗi thời vì nhu cầu ẩm thực của mọi người không bao giờ ngừng, thậm chí ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn. Trở thành người đầu bếp giỏi ngoài sở hữu kiến thức dinh dưỡng sâu rộng, kỹ năng đứng bếp điêu luyện, được trui rèn và hoàn thiện mỗi ngày qua quá trình học hỏi và trải nghiệm bản thân – thì còn phải có một vị giác nhạy cảm, năng khiếu thẩm mỹ cao và đặc biệt là đôi tay tài hoa để sáng tạo nên những món ăn chuẩn vị – đẹp mắt phục vụ khách.

nghe-khach-san-can-su-co-gang-jobhop

Để theo đuổi “giấc mơ ẩm thực”, ngoài việc theo học chính quy tại các trường Đại học – Cao đẳng với thời gian lên đến 3,4 năm; bạn hoàn toàn có thể tự tin đứng bếp sau khóa đào tạo nghề tại các trường trung cấp, trung tâm dạy nghề chỉ sau 6 tháng đến 1 năm theo học. Ngoài ra, nhiều bạn trẻ chọn xin vào học việc tại các nhà hàng, khách sạn để tiếp xúc và học hỏi kiến thức, được thực hành thực tế về kỹ thuật chế biến món Âu/ Á/ Việt, kỹ thuật chế biến các món tráng miệng…

Được biết, tại các quán ăn – nhà hàng, lương một đầu bếp nấu chính dao động trong khoảng từ 5 – 8 triệu/ tháng. Nhà hàng nổi tiếng có thể khoảng 8 – 12 triệu/ tháng. Lương phụ bếp từ 3,5 – 5 triệu và lương khởi điểm cho một nhân viên học việc vào khoảng từ 2,5 triệu trở lên. Với các bếp trưởng làm việc tại các khách sạn, resort 5 sao, mức thu nhập có thể lên đến hàng nghìn đô và được hưởng nhiều chế độ ưu đãi đặc biệt.

#2. Thợ làm bánh có tay nghề

Là một nghề thuộc nhóm ngành nấu ăn, nhưng thợ làm bánh lại hoàn toàn tách biệt với nghề đầu bếp chuyên nghiệp và hầu như các nhà hàng, khách sạn chuyên biệt hay có quy mô đều đầu tư một bếp bánh thật hoành tráng.

Được biết, mức lương khởi điểm tại các nhà hàng, khách sạn hiện nay dao động từ 4 triệu (với các nhà hàng, tiệm bánh nhỏ), khoảng 6 triệu (với hãng bánh và khách sạn có quy mô). Ngoài ra, bạn còn nhận được một khoản hoa hồng nhỏ khi những chiếc bánh của mình được bán đi hay doanh thu nhà hàng đạt chỉ tiêu.

Nhiều bạn trẻ đủ tự tin về trình độ tay nghề, có đủ vốn và mối quan hệ, cộng thêm một ít may mắn thì có thể bắt đầu mở tiệm bánh kinh doanh tại nhà, bán lẻ và cung cấp sỉ cho số lượng lớn khách tiềm năng. Đặc biệt, nếu biết tận dụng khả năng tiếp cận và tiếp thị “khủng” của mạng xã hội, cơ hội thành công cho nghề này là không khó.

#3. Bartender: nghệ sĩ quầy bar thực thụ

Tại các quán bar, nhà hàng, khách sạn quy mô và đẳng cấp, nhu cầu tuyển dụng Bartender có tay nghề cao cực kỳ lớn bởi ngoài việc tạo nên những ly cocktail hấp dẫn và ngon miệng, nhân viên pha chế còn phải phô diễn tay nghề qua màn biểu diễn các động tác thực hiện điêu luyện như Flair bartending (kỹ thuật quăng chai), biểu diễn chai lửa… khách hàng thường bị cuốn hút bởi điều này và không ngại chi khủng để “thưởng nóng”.

Ngoài ra, với trình độ và kinh nghiệm của mình, những nghệ sĩ quầy bar thực thụ dĩ nhiên sẽ nhận được mức lương xứng đáng, thường là từ 6 triệu khi thử việc và hơn 10 triệu nếu đủ giỏi và có tay nghề cao.

#4. Quản lý nhà hàng – khách sạn

Không một tổ chức hay đội nhóm nào hoạt động có hiệu quả nếu thiếu người “cầm đầu”. Với đặc thù đa dạng các bộ phận, nhà hàng – khách sạn muốn hoạt động và phát triển theo một thể thống nhất cần có người quản lý giỏi để hướng nhân viên theo đúng lộ trình và chất lượng công việc được yêu cầu.

Quản lý bộ phận phải là người giỏi chuyên môn, vững nghiệp vụ, năng động, nhạy bén, có khả năng nắm bắt vấn đề và ứng biến nhanh trong mọi tình huống, giỏi giao tiếp, thạo ngoại ngữ, có khả năng lãnh đạo và tâm lý trong quản lý nhân viên…

Tuy nhiên, bạn trẻ nên tự ý thức rằng, không một trường nào đào tạo sinh viên/ học viên ra để làm quản lý. Bạn thường phải bắt đầu từ vị trí nhân viên – cọ xác và thực hành thực tế – tích lũy kiến thức và kỹ năng, kinh nghiệm – hiểu nhiệm vụ công việc và mong muốn của nhân viên… – khi đủ tầm và đủ tâm, bạn chắc chắn sẽ thành công với chức vụ mình đảm nhận.

Một số vị trí quản lý trong các nhà hàng, khách sạn 3-5 sao cho bạn tham khảo như: quản lý bộ phận (buồng/ ẩm thực/ bếp/ tiền sảnh/ hội nghị yến tiệc…); quản lý cấp cao trong tập đoàn, chuỗi nhà hàng; quản lý phòng ban (nhân sự, tài chính, kế toán, marketing…). Được biết, mức lương cho vị trí này khá cao, lên đến hàng chục triệu tại những nhà hàng, khách sạn quy mô. Quản lý tập đoàn có thể hưởng lương trên 100 triệu/ tháng.

#5. Lễ tân

Được ví như “bộ mặt của khách sạn”, lễ tân là người quyết định cảm nhận đầu tiên và cuối cùng của khách hàng trong suốt thời gian họ lưu trú. Tuy chỉ là cấp bậc nhân viên nhưng lễ tân là vị trí công việc không thể thiếu, có liên hệ mật thiết với tất cả các bộ phận khác, giúp quá trình phục vụ khách được trơn tru và có liên kết. Do đó, nhu cầu tuyển lễ tân là cực kỳ lớn và đa phần tiêu chí tuyển dụng cũng không quá cao (trừ khách sạn, resort 5 sao đẳng cấp).

Ứng viên tìm việc lễ tân cần giỏi ngoại ngữ, có ngoại hình ưa nhìn, giao tiếp có duyên, vững nghiệp vụ nghề, linh hoạt trong phục vụ khách và giải quyết vấn đề, trung thực, có trách nhiệm và chịu được áp lực công việc… Mức lương cho vị trí này dao động trong khoảng từ 4-8 triệu đồng/ tháng cho khách sạn tầm trung và 5-10 triệu đồng/ tháng cho khách sạn, resort 5 sao có yêu cầu tuyển dụng cao, chưa tính các khoảng service charge, tip, thưởng hay phụ cấp, trợ cấp hàng tháng.

Ngoài ra, nhân viên lễ tân đủ trình độ, kinh nghiệm cũng như kỹ năng để dễ dàng thăng tiến lên các vị trí cao hơn như giám sát, quản lý bộ phận.

Dù xuất phát điểm công việc của bạn là gì, có hoặc không nằm trong top nghề “đắt giá” được chia sẻ trên đây – bạn cũng được cho mình cái quyền “mơ” về vị trí cao hơn trong tương lai. Bởi nghề khách sạn – nhà hàng mang đến nhiều cơ hội thăng tiến với lộ trình cụ thể. Nếu bạn giỏi chuyên môn – vững nghiệp vụ – làm việc với đam mê và tình yêu nghề lớn – cầu thị và cầu tiến cao, bạn chắc chắn sẽ thành công với nghề.

Nguồn: hoteljob