Suy nghĩ tích cực và tác dụng phụ của sự lạc quan

Có phải bạn luôn tin rằng việc suy nghĩ tích cực sẽ hướng bạn đến thành công và đạt được hạnh phúc. Đặc biệt khi ngành công nghiệp self-help đang khiến mọi người mù quáng tin vào việc sống lạc quan sẽ thay đổi cuộc sống của họ. 

Suy nghĩ tích cực có làm ta hạnh phúc hơn?

Nhìn chung có thể thấy ngày càng có nhiều người quan tâm đến xu hướng cải thiện bản thân theo hướng tích cực hơn. Ví dụ cụ thể chính là thành công của hàng loạt các đầu sách self-help và sự lớn mạnh không ngừng của ngành công nghiệp này. Theo số liệu mới đây nhất từ Market Research, vào năm 2016 ngành này có giá trị 9.9 tỷ đô la. Dự đoán đến năm 2022 sẽ là 13.2 tỷ đô, trung bình mỗi năm tăng trưởng 5.6%. Một người trẻ thuộc thế hệ Millennials sẵn sàng chi $300 cho dịch vụ cải thiện bản thân mỗi năm, họ cũng góp phần lớn trong sự phát triển của ngành công nghiệp này. Tuy nhiên, liệu việc sống và suy nghĩ tích cực hơn có phải là giải pháp cho các vấn đề hàng ngày trong cuộc sống? 

Không thể phủ nhận lạc quan là một đặc điểm tính cách rất tốt khi nó hướng người ta đến một cuộc sống màu sắc hơn, tràn đầy niềm vui và sự tích cực. Vài người sinh ra đã mang một tâm hồn tràn đầy sức sống và những điều tốt đẹp bên trong họ. Tuy nhiên, nếu bạn đang phải gồng gánh những áp lực từ gia đình và xã hội hay thậm chí là bản thân và cảm thấy không thể tích cực được, hãy ưu tiên cho cảm xúc thật của mình. 

Việc ngành công nghiệp cải thiện bản thân phát triển như vũ bão thật ra lại làm nhiều người cảm thấy bớt hạnh phúc đi. Một nghiên cứu về sức khỏe tâm lý do tạp chí Harvard Business Review mới đây đã cho thấy thế hệ càng trẻ càng trở nên bi quan. Ngoài việc ảnh hưởng đến tâm lý, nó còn đi kèm hệ lụy khi ngày càng nhiều người trẻ có xu hướng không hài lòng với công việc hiện tại. Một nửa số lượng người thuộc thế hệ Millennials (độ tuổi từ 24 đến 39) bỏ việc đều liên quan đến vấn đề sức khỏe tâm lý, và cảm thấy cô đơn nơi công sở. Với Gen Z  (độ tuổi từ 18 đến 23), tỷ lệ này tăng vọt lên 75% so với 20% dân số chung. 

Dồn nén cảm xúc gây ra những ảnh hưởng tiêu cho sức khỏe của bạn

Thực tế chứng minh rằng, việc có một cái nhìn ít lạc quan hơn về cuộc sống sẽ chuẩn bị để bạn có thể đối mặt với những khó khăn mà nó đem tới. Chỉ khi nghĩ đến những tình huống hoặc hậu quả có thể xảy ra, bạn mới có thể chuẩn bị đối phó với nó một cách tốt nhất. Việc sử dụng những suy nghĩ bi quan để cải thiện cuộc sống một cách lạc quan hơn đã xuất hiện từ rất sớm. “Tưởng tượng tiêu cực” là một phương pháp được các nhà Khắc kỷ (Stoic) nổi tiếng như Seneca, Marcus Aurelius sử dụng. Phương pháp này là khi bạn nghĩ đến viễn cảnh tồi tệ nhất có thể xảy vào mỗi ngày khi bạn thức dậy, việc này giúp giảm thiểu lo âu vì bạn đã sẵn sàng khi  chuyện xấu nhất xảy ra. 

Ngoài ra, việc phủ nhận sự tiêu cực của bản thân cũng dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe. Một nghiên cứu từ Trường Y tế Công cộng Harvard và Đại học Rochester cho thấy dồn nén cảm xúc tiêu cực khiến việc mắc ung thư tăng 70%. Đây cũng là nguyên nhân cho các vấn đề sức khỏe khác như tiểu đường, bệnh tim mạch,…

Xem thêm: Cân bằng cuộc sống – Bí kíp giúp phụ nữ thành công hơn

Mọi thứ trên đời đều có hai mặt tốt xấu tồn tại song song và bổ trợ nhau. Có những ngày vui chắc chắn cũng sẽ có những ngày u tối. Quan trọng là bạn biết cách cân bằng và giải tỏa tâm trạng như thế nào cho hiệu quả, để không ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như công việc. Bạn không cần lúc nào cũng trong tâm thế “Do not limit yourself” (Không giới hạn bản thân). Khám phá bản thân và tìm ra giới hạn của mình nằm ở đâu là vô cùng quan trọng. 

Tóm lại, bất cứ kiểu hình suy nghĩ nào một khi trở nên quá cực đoan đều sẽ đầu độc bạn cho dù bản chất của chúng là tốt hay xấu. Hãy học cách tận dụng cảm xúc tích cực đúng lúc và đừng cố phớt lờ những suy nghĩ tiêu cực của bản thân. 

JobHopin Team