Quiet quitting

Bắt đầu phổ biến sau khi xuất hiện trên nền tảng TikTok, từ khóa “quiet quitting” trở thành một xu hướng nhận được đông đảo sự quan tâm với nhiều quan điểm trái chiều. Theo ghi nhận của CNBC vào tháng 9 năm 2022, có tới khoảng 354 triệu lượt xem cho tất cả video chứa hashtag #quietquitting.

Liệu đây chỉ là một xu hướng “đến nhanh, đi nhanh” hay thật sự là một vấn đề đáng lo ngại trong việc quản trị nhân sự? Làm thế nào để doanh nghiệp có thể giải quyết những thách thức khởi nguồn từ làn sóng này?

“Quiet quitting” là gì mà lại nhận được nhiều sự quan tâm đến thế?

Quiet quitting (nghỉ việc thầm lặng) không mang ý nghĩa “tả thực” nhân viên lặng lẽ xin nghỉ việc mà đúng hơn hết là họ đã giới hạn nhiệm vụ của mình trong mô tả công việc, trong đúng thời gian được công ty và pháp luật quy định. Sau giờ làm việc, họ sẽ không làm thêm giờ, không trả lời tin nhắn công việc cũng như tham gia vào các hoạt động tập thể của công ty.

Theo Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ, trong làn sóng nghỉ việc ồ ạt do hậu quả từ dịch COVID-19, đã có 71,6 triệu người quyết định rời bỏ công việc tính từ tháng 4 năm 2021 đến tháng 4 năm 2022. Những ảnh hưởng và gián đoạn trong thời kỳ COVID-19 đã khiến người lao động dành sự quan tâm đặc biệt hơn về phát triển sự nghiệp, tiền lương và cách họ được đối xử tại nơi làm việc. Họ từ chối văn hóa “hối hả” – hustle culture, vốn được coi là rất bình thường trong môi trường công sở, và đặt ra ranh giới giữa công việc với cuộc sống cá nhân.

Nguồn gốc quiet quitting?

Thuật ngữ Quiet quitting được sử dụng lần đầu tiên bởi nhà kinh tế học Mark Boldger trong một hội nghị chuyên đề kinh tế học Texas A&M về việc giảm bớt tham vọng ở Venezuela vào tháng 9 năm 2009. 

Vào tháng 4 năm 2021, một phong trào ở Trung Quốc nổi lên được gọi là Tang ping (“nằm phẳng”) có nhiều đặc điểm chung với khái niệm Quiet Quitting trước đó. Theo đó, Tang ping tuyên bố chống lại lối sống rat race (đường đua chuột) phổ biến tại đất nước này sau cuộc Cải cách kinh tế Trung Quốc. Thay vào đó, nó cổ cũ việc người lao động có thể nằm thẳng ra và mặc kệ đời.

Sau khi được nhắc đến và trở nên viral trên TikTok, thuật ngữ quiet quitting đã trở nên phổ biến ở quy mô toàn cầu.

Vì sao quiet quitting trở nên phổ biến?

Theo báo cáo của Asana vào năm 2022, cứ 10 nhân viên thì có 7 người chia sẻ rằng họ cảm thấy kiệt sức. Các phát hiện của báo cáo cũng cho thấy rằng những nhân viên ở trong tình trạng này có xu hướng ít gắn kết hơn, mắc nhiều sai phạm hơn, tăng ý định rời bỏ công ty và có nguy cơ sa sút tinh thần cao hơn.

Đại dịch đã khiến quiet quitting trở thành tâm điểm chú ý khi nó đảo lộn văn hóa làm việc “hối hả” vốn đã khá quen thuộc. Theo báo cáo Global Talent Trends của LinkedIn vào năm 2022, COVID khiến mọi người có nhiều thời gian hơn để suy nghĩ và đặt câu hỏi về sự nghiệp của họ cũng như tìm kiếm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. 

Làm việc tại nhà cũng góp phần ảnh hưởng đến tính năng động tại nơi làm việc vì nhân viên và người quản lý phải giao tiếp trực tuyến trên các nền tảng Zoom hoặc Teams, vô tình có thể gây ra sự mất kết nối giữa nhân viên và công ty. 

Tiền lương cũng có thể là một yếu tố quan trọng giải thích tại sao mọi người không muốn đặt mọi thứ vào sự nghiệp của họ. Mức lương bình quân năm 2021 trong hầu hết các nhóm doanh nghiệp đều giảm nhẹ so với năm 2020, điều này khiến người lao động tự hỏi tại sao họ phải làm việc chăm chỉ như vậy.

>>Xem thêm: “Tuyển nhầm người giống như tự bắn vào chân mình vậy” – chia sẻ của CEO JobHopin với JETRO

Dấu hiệu nhân viên quiet quitting

Các dấu hiệu phổ biến của quiet quitting thường khá dễ nhận biết:

  • Từ chối dự họp hoặc trả lời tin nhắn ngoài giờ làm việc;
  • Đến muộn hoặc về sớm;
  • Giảm năng suất làm việc;
  • Đóng góp ít hơn cho các dự án nhóm;
  • Thiếu đam mê hoặc nhiệt tình.

Doanh nghiệp có thể làm gì để hỗ trợ nhân viên?

Cách hiệu quả nhất để giảm thiểu tình trạng mất gắn kết là cải thiện trải nghiệm của nhân viên qua việc trò chuyện, khảo sát phản hồi, thảo luận về con đường sự nghiệp và hỗ trợ giúp họ đạt được mục tiêu cuối cùng bằng những nhiệm vụ rõ ràng, khả thi, hoặc đôi khi chỉ đơn giản là những lời động viên chia sẻ, khuyến khích nhân viên chăm sóc sức khỏe bản thân.

Tiếp theo, doanh nghiệp cần đảm bảo rằng khối lượng công việc không làm nhân viên kiệt sức và có ranh giới cụ thể để duy trì sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Điều quan trọng là có thể thiết lập mối quan hệ cởi mở và trung thực với nhân viên để đảm bảo những ranh giới này là phù hợp.

Quiet quitting sẽ không thể biến chuyển nếu nhân viên không cảm thấy được trân trọng và học cách sắp xếp những kỳ vọng của bản thân.

JobHopin team