làm việc nhóm

Nếu như bạn có quyền lựa chọn thành viên để làm việc nhóm, bạn muốn kết nạp ai? Một người luôn năng nổ, có khả năng khuấy động không khí cho cả team? Hay, một người luôn đứng đằng sau các cuộc tranh luận, giúp mọi người giải quyết xung đột trong nhóm?

Có thể nói, trong suốt quá trình đi làm, đặc biệt là chốn công sở, chúng ta sẽ phải tham gia vào hàng trăm cuộc họp và làm việc nhóm. Không chỉ với phòng ban của mình, mà còn phải phối hợp ăn ý với các bộ phận khác trong công ty. Do đó, bạn sẽ phải hợp tác với nhiều người sở hữu nhiều màu sắc tính cách khác nhau. Có người hướng nội, có người hướng ngoại. Vậy, giữa người hướng nội và người hướng ngoại, ai dễ hợp tác làm việc hơn? Và làm sao để làm việc nhóm với họ hiệu quả nhất?

làm việc nhóm

Theo thuyết bù trừ “Dominance Complementarity Theory”, các nhóm hòa hợp và làm việc tốt khi các thành viên có những tính cách có thể chế ngự nhau. Mâu thuẫn có thể xảy ra, nhưng chính nhờ các mặt đối lập về ứng xử khiến họ cân bằng lại trạng thái bình ổn của nhau. Quay trở lại câu hỏi ở trên. Đôi khi chúng ta không có quyền chọn thành viên cho mình. Nhưng bản thân ta có quyền tự thay đổi bản thân để phù hợp với những nhóm người khác nhau. Có hai cách để làm việc nhóm hiệu quả. Một là thay đổi rắc rối đang gặp phải. Hai là thay đổi thái độ với nó. Như thế, trước hết để tìm được đáp án cho câu hỏi trên, chúng ta hãy phân tích về khả năng làm việc nhóm của người hướng nội và người hướng ngoại. 

Người hướng ngoại ra sao khi làm việc nhóm?

Từ trước đến nay, người hướng ngoại luôn được nhắc đến như những người năng động, tự tin và luôn biết cách tận hưởng niềm vui khi ở chốn đông người. 

Có một điều hiển nhiên rằng, khi bắt đầu tham gia làm việc với một nhóm mới, người hướng ngoại luôn là người có khả năng hòa nhập với các thành viên khác nhanh nhất. Bên cạnh đó, nguồn năng lượng tích cực tỏa ra từ họ cũng giúp các thành viên khác thoải mái và gắn kết với nhau nhanh hơn. Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường đến khi đi làm, người hướng ngoại luôn là hình mẫu mà xã hội muốn chúng ta hướng tới. Nhiều bạn trẻ khi đi xin việc đều khẳng định mình có kỹ năng làm việc nhóm tốt, mình là một “teamplayer” năng nổ, tài ba. Nhưng khi bạn thực sự thấy cách họ làm việc và phối hợp với các thành viên khác, bạn nghi ngờ về câu nói mang tính quy chuẩn cho tất cả mọi người khi đi phỏng vấn, rằng: “Chỉ có người hướng ngoại mới phù hợp với môi trường công sở.”

Tuy nhiên, người hướng ngoại cũng có những yếu điểm riêng của họ khi làm việc nhóm. 

  1. Người hướng ngoại thường có xu hướng nói nhiều hơn là thích lắng nghe. Nếu bạn là người hướng ngoại, bạn hãy cố gắng học cách bình tĩnh và thấu hiểu người khác. Bạn là một người bộc trực, duyên dáng, dám nói dám làm. Nhưng đôi khi sự thẳng thắn, nhanh nhảu của bạn lại khiến những người xung quanh cảm thấy khó chịu, bởi họ nghĩ bạn đang đùa giỡn và không tôn trọng cảm xúc của họ.
  2. Người hướng ngoại cực kỳ sợ thất bại. Bản chất của người hướng ngoại là ham vui, ham hoạt động và khao khát có cơ hội thể hiện sự nổi bật của mình trước mặt người khác. Vì thế, đối với họ, “thất bại” là cụm từ không được nằm trong từ điển. Theo nghiên cứu tâm lý từ Đại học Pennsylvania, khao khát thành công của những người hướng ngoại một phần có thể biến thành động lực cho nhóm. Tuy nhiên, nó còn có tác dụng phụ khác gây nên áp lực vô hình đè lên vai các thành viên còn lại. 
  3. Người hướng ngoại sợ cảm giác một mình. Có thể nói, đám đông và đội nhóm chính là nguồn năng lượng tích cực giúp người hướng ngoại có thể sáng tạo và phát triển tư duy. Khi cùng làm việc nhóm, họ thể hiện mình rất năng nổ, có rất nhiều sáng kiến. Nhưng khi phải hoàn thành nhiệm vụ được giao một mình, họ lại không thể tập trung làm việc tốt như những người hướng nội. Bởi vì họ rất dễ bị phân tâm từ những trò vui bên ngoài. Vì vậy, những người hướng ngoại thường hay trễ deadline và làm lộn xộn các đầu việc đặt ra hơn các thành viên khác. Nếu bạn là người hướng ngoại, hoặc bạn cũng đang trong tình trạng trên, hãy tự kiểm điểm bản thân và thay đổi ngay trước khi hình ảnh của bạn bị xấu đi trong mắt người khác.

Vậy, người hướng nội thì sao?

Mỗi khi nhắc đến người hướng nội, chúng ta thường hay nghĩ đến ngay những người ít nói, rụt rè và nhút nhát. Đi cùng tư duy xu hướng thời đại, nhiều người vẫn giữ quan điểm rằng rất khó để có thể hợp tác làm việc với người hướng nội. Vì vậy, có rất nhiều người cảm thấy xấu hổ và chối bỏ việc mình là một người hướng nội khi bị hỏi “Bạn thuộc tuýp người nào?” trong buổi phỏng vấn. Tuy nhiên, có nhiều nghiên cứu cho rằng người hướng nội mới là những đồng đội tốt khi làm việc nhóm. Bởi vì, những người hướng nội luôn biết cách học im lặng, học lắng nghe và học sẻ chia. 

Nhà tâm lý học Adam Grant từ Đại học Pennsylvania (Mỹ) đã có một nghiên cứu về “kỹ năng con người” (People Skill) của những bác sĩ giỏi. Kết quả là những bác sĩ trầm tính hơn lại là những người chăm sóc y tế tốt hơn. Tại sao lại thế? Bởi vì, những bác sĩ tài giỏi không cần quá thông minh và sáng tạo. Họ làm việc đúng theo hướng dẫn, kiểm tra các triệu chứng và so sánh chẩn đoán cẩn thận, đảm bảo theo đúng quy trình thăm khám, hệ thống y tế chuẩn chỉnh. Trái lại, những bác sĩ với tính cách hướng ngoại mặc dù tiếp cận bệnh nhân tốt nhưng lại không giỏi tiếp nhận những lời phàn nàn từ bệnh nhân và đồng nghiệp.

 Quay trở lại câu hỏi về những người hướng nội, chúng ta có thể thấy rằng, những người hướng nội mang nhiều màu sắc tính cách phức tạp hơn những gì chúng ta nghĩ. Vì vậy, kết luận những người hướng nội luôn là những người rụt rè, nhút nhát là một kết luận quá vội vàng. Trong một tập thể, bất kỳ tính cách nào cũng cần có để cân bằng môi trường làm việc hiệu quả hơn. Dưới đây là những lời khuyên khi trong nhóm bạn có thành viên hướng nội, hoặc cho chính bản thân bạn:

  1. Nếu bạn là một người hướng nội, hãy dũng cảm lên! Đôi khi bạn lo sợ rằng những ý kiến đóng góp của bản thân có thể gây tổn thương cho cảm xúc của người khác, nhưng biết đâu mọi người lại mong muốn bạn có thể cởi mở và chia sẻ nhiều hơn. Hãy biến thời gian làm việc nhóm trở thành thời gian vui vẻ cho cả bạn và cả team của bạn nhé!
  2. Giữ vững chất riêng của bản thân. Những người hướng nội khi làm việc nhóm thường có xu hướng cố gò ép bản thân thành một người hướng ngoại hoạt ngôn. Tuy nhiên, bạn nên nhớ rằng, kết quả làm việc nhóm dựa trên thực lực của từng thành viên chứ không phải đến từ vẻ tự tin ngời ngời bên ngoài. Hãy là chính mình và sẵn sàng khám phá ra những điều tốt đẹp của bản thân, đó mới là cách khiến bạn tỏa sáng nhất khi làm việc nhóm.
  3. Dành nhiều thời gian bên cạnh các thành viên khác. Những người hướng nội sau giờ làm việc thường muốn có khoảng thời gian riêng để thư giãn và tìm kiếm năng lượng cho mình hơn là tán gẫu với người khác. Tuy nhiên, đôi khi bạn cũng nên tham gia vào các hoạt động vui chơi cùng các thành viên khác để tăng độ gắn kết hơn với team mình. Như vậy, khi mọi người đều hiểu rõ tính cách của bạn, họ sẽ thông cảm và thoải mái hơn trong những giây phút bạn giữ im lặng đấy!

Xem thêm: Phương pháp làm việc nhóm hiệu quả cho các Marketer

Cho dù bạn là người hướng nội hay người hướng ngoại, thì khi làm việc nhóm, quan trọng nhất vẫn là thực lực và thành quả bạn có thể đem đến cho nhóm. Hãy cứ tự tin với tính cách của mình. Tuy nhiên, bạn cũng đừng quên khắc phục điểm yếu của bản thân, và hỗ trợ các thành viên khác  khi họ gặp khó khăn.

Hy vọng bài viết trên đã đem đến những thông tin bổ ích cho quá trình làm việc nhóm của bạn. Bên cạnh đó, JobHopin còn có rất nhiều chia sẻ hữu ích cho sự nghiệp, bạn hãy thường xuyên theo dõi để cập nhật những thông tin mới nhất nhé!

Báo chí nói gì về JobHopin?

JobHopin Team