amazon-jeff-bezos

Để biến Amazon trở thành một trong những đế chế công nghệ hùng mạnh nhất như hiện tại, Jeff Bezos đã lên chiến lược ra sao? Cùng tìm hiểu về cách mà Jeff Bezos, người sáng lập, biến giấc mơ tỷ đô trở thành hiện thực nhé!

Amazon là gì?

Jeff Bezos thành lập Amazon vào tháng 7 năm 1994, trong một garage nhỏ ở Seattles. Sở dĩ ông chọn địa điểm này là vì Seattles  tập trung nhiều nhân tài kỹ thuật của Microsoft. Vào những ngày đầu tiên, Amazon chủ yếu kinh doanh sách và thâu tóm các cửa hàng sách online nhỏ lẻ ở Đức và Anh. Sau này khi trở nên thành công, số lượng mặt hàng trên website Amazon cực kỳ đa dạng: Đồ điện tử, gia dụng, nội thất,…Amazon vẫn không ngừng phát triển bằng việc mở rộng thị trường khai thác ở rất nhiều quốc gia trên thế giới. Mỗi nước đều có trang Amazon riêng để phục vụ người dùng thuận tiện mua hàng và vận chuyển.

Từ thuở sơ khai cho đến thời kỳ hoàng kim như hiện tại, tầm nhìn và chiến lược lãnh đạo của Jeff Bezos có sức ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ. Dưới sự điều hành của ông, Amazon từ con số 0 chuyển mình thành đế chế thương mại điện tử trị giá 1.700 tỷ USD. Sự thành công ấy không chỉ là bài học kinh nghiệm cho những người kế thừa Amazon trong tương lai, nó còn là bài học về quản trị và điều hành mà bất cứ ai trong chúng ta đều nên biết.

Các bài học kinh nghiệm từ Jeff Bezos

Bài học số 1: Đặt mình vào vị trí của ông lão 80 tuổi

Jeff Bezos cho biết, ông thường xuyên đặt mình vào vị trí của một người lớn tuổi đang hoài niệm về cuộc đời. Từ đó, ông điểm qua được những nuối tiếc có thể sẽ gặp phải nếu không bắt đầu theo đuổi giấc mơ, dự định của bản thân. Bằng lối suy nghĩ này, cứ hễ có ý tưởng mới là Nhà sáng lập Amazon bắt tay vào làm. 

“Ở tuổi 80, khi bạn nghĩ về những nuối tiếc đã qua, bạn nhận ra chúng hầu như luôn là những điều bạn lựa chọn không thực hiện.” – Bezos trả lời trong một buổi phỏng vấn.

Bài học số 2: Phát triển dài hạn 

Nhà lãnh đạo Amazon luôn có tầm nhìn đi trước thời đại. Năm 2005, Amazon Prime ra đời với mức giá chỉ 79$/năm đã gồm 2 ngày giao hàng miễn phí. Sẵn sàng hy sinh lợi nhuận trước mắt để thu về khoản lãi cao trong những năm sau đó. Khi dịch vụ này đã trở nên quá quen thuộc và hữu ích với khách hàng, họ sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho chúng. 

Bài học số 3:  Trao quyền và mục đích làm việc cho nhân viên

Tháng 4 vừa qua, Jeff Bezos tuyên bố Amazon đang thực thi nhiệm vụ “tạo ra công việc tốt hơn cho nhân viên của chúng tôi”. Cơ bản, công ty này sẽ đầu tư hơn 300 triệu đô la để cải thiện môi trường làm việc an toàn hơn cho nhân viên ở các kho bãi. Ông cũng chia sẻ thêm: Công ty cần “chúng ta cần có tầm nhìn tốt hơn trong việc tạo ra giá trị cho nhân viên – một tầm nhìn dẫn đến sự thành công của họ.” 

Ông cũng khẳng định, muốn giải quyết vấn đề về việc giữ chân nhân tài, trước hết hãy nghĩ làm thế nào để giúp họ tìm được mục đích trong công việc đã.

Bài học số 4: Có niềm tin vào mô hình văn hóa của chính công ty

Đối mặt với những tin đồn “bóc lột sức lao động”, “điều kiện làm việc không an toàn”… Đáng ngạc nhiên là Amazon vẫn sở hữu một lực lượng lao động đông đảo và liên tục thu hút nhân tài mới mỗi năm. 

Trong một bức thư gửi đến các nhà đầu tư của Amazon, Jeff Bezos có chia sẻ đôi nét suy nghĩ của ông về văn hóa doanh nghiệp. Ông viết: “Chúng tôi chưa bao giờ khẳng định rằng cách tiếp cận của chúng tôi là đúng. Nhưng với văn hóa đó, trong hai thập kỷ qua, Amazon đã tìm được những người có cùng chí hướng.”

Cụ thể hơn ông viết: “Bạn không thể viết xuống vài dòng và gọi đấy là văn hóa công ty. Đấy chỉ đơn giản là bước khám phá, tìm hiểu xem đâu là loại hình văn hóa bạn muốn theo đuổi. Để thật sự tạo ra một văn hóa “cộp mác” thương hiệu của bạn, yếu tố con người và các sự kiện góp phần rất lớn. Bởi dù thất bại hay thành công, chúng cũng góp phần thay đổi sâu sắc đến văn hóa công ty. Văn hóa công ty cũng như một chiếc găng tay được đặt may và chỉ vừa với một số người nhất định. Sở dĩ văn hóa có thể bền bỉ phát triển là vì chế độ chọn lọc người của nó. Những người thích được thúc đẩy bởi nhiệt huyết, sự cạnh tranh sẽ chọn một công ty có văn hóa tương tự, nhưng những người thích sự tiên phong thì không.” 

Xem thêm: Nghe Jack Nguyen chia sẻ về định hình tư duy dữ liệu trong tập Fireside Chat #2

Bài học số 5: Cởi mở lắng nghe nhưng không cần bận tâm nếu đó là chỉ trích

Càng nhiều trọng trách, bạn càng phải đối mặt với hằng hà sa số các loại chỉ trích, đánh giá. “Nếu sợ gây ra sự hiểu lầm, tốt nhất là bạn đừng cố làm gì mới cả.” – Jeff Bezos. 

Cởi mở lắng nghe không có nghĩa là bạn nên quá bận tâm về những lời chỉ trích. Theo Jeff Bezos, khi nhận được phê bình hoặc chỉ trích từ bất cứ ai, hãy tự đặt câu hỏi cho chính bản thân mình. “Liệu những gì họ nói có đúng không?  Nếu đúng, hãy sửa ngay đi.”

Một câu chuyện nhỏ về lắng nghe ý kiến khách hàng của Amazon: Năm 2009, Amazon không biết vô tình hay cố ý đã bất hợp pháp kinh doanh quyển sách 1984 của George Orwell. Ngay khi tin này bùng nổ, Amazon tự ý thu hồi hàng loạt bản sao của khách hàng mà không có sự báo trước. May mắn thay, sau đó trang này đền bù thỏa đáng và xin lỗi khách hàng về phà xử lý có phần “chập mạch” này. 

Bài học số 6: Đối thủ chả có gì phải sợ, khách hàng mới quan trọng

Đừng sợ các đối thủ cạnh tranh của bạn, họ chả phải người tạo ra tiền. Ông nói với nhân viên: “Hãy sợ khách hàng của mình, vì họ mới chính là người chi tiền cho bạn.” Nói cách khác, ông luôn khuyên nhân viên biết đâu là thứ cần được lưu tâm.

“Khách hàng là Thượng đế” – Điều này công ty nào cũng có thể nói. Nhưng chỉ là Amazon là quyết tâm sống với khẩu hiệu này. Không dừng lại ở việc tạo ra trải nghiệm khách hàng tuyệt vời nhất. Đối với Jeff Bezos, ông muốn biến Amazon thành một thứ mà người ta không thể sống thiếu. 

JobHopin Team